Điểm mặt các dự án huy động vốn trái phép đình đám

Lời toà soạn: Hiện nay, tình trạng nhiều doanh nghiệp (chủ đầu tư) vi phạm các quy định về Luật kinh doanh bất động sản (BĐS) như: Kinh doanh BĐS không đủ điều kiện theo quy định; Quyết định việc đầu tư dự án bất động sản không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản; Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản; Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết; Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; Cấp và sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng quy định; Thu phí, lệ phí và các khoản tiền liên quan đến kinh doanh bất động sản trái quy định của pháp luật… khá phổ biến. Việc làm đó là vi phạm Pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.

Nhằm giúp cho bạn đọc có cái nhìn khách quan, cảnh báo tới cho khách hàng rõ hơn các vấn đề trên Ban biên tập Toà soạn Tạp chí Doanh nhân Việt Nam triển khai tuyến bài đầu tiên liên quan đến tình trạng “Huy động, chiếm dụng vốn trái phép” của các doanh nghiệp hiện nay.

Thời gian qua, có không ít trường hợp người mua bị lừa đảo, mất tiền khi đầu tư vào các dự án phân lô bán nền “ma” do chủ đầu tư tự vẽ ra. Thậm chí có nơi việc phân lô, bán nền trên cả đất nông nghiệp, không phải là đất ở và mua bán, chuyển nhượng đất khi chưa đủ điều kiện, cơ sở pháp lý.

Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2018, phạt tiền từ 250 triệu – 300 triệu đồng đối với trường hợp chủ đầu tư huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép, sử dụng vốn huy động của tổ chức cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết.

Căn cứ điều 55 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định thì điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai nếu được đưa vào kinh doanh thì phải có giấy phép xây dựng, giấy tờ nghiệm thu về việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghị định 139/2017/NĐ-CP cũng thể hiện, nếu sàn giao dịch bất động sản nào đưa lên sàn giao dịch sản phẩm bất động sản không đủ điều kiện kinh doanh sẽ bị xử phạt 40 triệu – 50 triệu đồng và bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản từ 6 – 12 tháng.

Mặc dù pháp luật đã quy định rõ ràng như vậy, tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn “cầm đèn chạy trước ôtô”. Nhiều dự án bán khi chưa đủ pháp lý, khiến khách hàng là người chịu thiệt. Địa ốc Alibaba, Hoàng Kim Land, City Land Bình Dương, Công ty Angel Lina, Hưng Thịnh Phát… là những điển hình các vụ lừa đảo phân lô bán nền trái phép mà khách hàng là người lãnh.

Bán 121 lô đất “ma” tại Đà Nẵng

Ngày 3/4/2019, Phòng cảnh sát kinh tế công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố, bắt giam bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Quảng Đà về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công ty này đã nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ của khách hàng tại dự án mang tên “Khu dân cư Nam Cẩm Lệ” và 121 lô đất mặt tiền đường Đô Đốc Lân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).

Trong thời gian Đà Nẵng sốt đất, Công ty Quảng Đà rao bán những lô đất trên với giá hơn 2 tỷ đồng. Khách hàng mua đất phải đặt cọc 500-800 triệu đồng, thậm chí có người đặt cọc 6 tỷ đồng để mua 12 lô đất.

Tuy nhiên, trên thực tế, khu đất trên do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đà Nẵng quản lý, không giao cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào đầu tư dự án bán đất nền.

Điểm mặt các dự án huy động vốn trái phép đình đám 1

Ảnh minh họa

Alibaba chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng của khách hàng

Cuối tháng 9/2019, Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh – Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Alibaba đã bị khởi tố về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh đã lập ra Công ty CP Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên thu gom đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600ha tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai… sau đó giao cho các cá nhân đứng tên.

Những khu đất này được vẽ thành dự án không có thật, chưa được cấp phép… để bán cho 6.700 khách hàng, chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Theo nhận định của cơ quan điều tra, anh em Luyện đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp. Chỉ trong vòng 3 năm, Alibaba đã triển khai tới 43 dự án tại nhiều tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai…

Công ty Angel Lina “vẽ” 9 dự án ma

Đầu tháng 11/2019, Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt tạm giam bà Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi, Giám đốc Công ty CP Tư vấn và đầu tư Angel Lina) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra cho thấy, bà Nhung đã tìm những khu đất nằm trong khu dân cư tại quận 9, Bình Tân, Bình Chánh… để vẽ nên nhiều dự án đất nền ma, sau đó kêu gọi khách hàng góp vốn.

Theo nội dung hợp đồng, Công ty Angel Lina cam kết sẽ giao đất sau 6 tháng và 12 tháng (sau khi ký hợp đồng) sẽ giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng. Trong trường hợp vi phạm, công ty sẽ trả khách hàng số tiền đã nhận và bồi thường 50%. Tuy nhiên, khi hết hạn, Công ty Angel Lina không thực hiện đúng như cam kết, bà Nhung còn bỏ trốn. 

Được biết hiện đã có 200 đơn tố cáo với số tiền chiếm đoạt ước tính lên đến 285 tỷ đồng. 

Hoàng Kim Land bán dự án đất nền không có thật

Ngày 21/11/2019, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh cùng với Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Kim Land – bà Trần Thị Mỹ Hiền đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 81 tỷ đồng của khách hàng từ việc bán các dự án đất nền không có thật tại TP. Hồ Chí Minh.

Một số dự án mà công ty này rao bán như: Khu đất đường Hương Lộ 11, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh; Dự án khu dân cư đường số 7 (KCN Vĩnh Lộc B, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân); Khu đất đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Cụ thể, bà Hiền đứng ra mua đất từ người dân. Sau khi nhận tiền đặt cọc, người dân sẽ ủy quyền cho bà Hiền lo giấy tờ pháp lý, giao dịch ngân hàng, phát triển dự án… Nhưng bà Hiền không tuân thủ đúng cam kết mà lấy danh nghĩa Công ty Hoàng Kim Land cùng với bà Hạnh vẽ dự án đất nền, rao bán và nhận tiền cọc của người dân dưới hình thức góp vốn nhằm chiếm đoạt.

Hưng Thịnh Phát bán hàng chục dự án ma 

Ngày 19/12/2019, ông Nguyễn Hữu Kha, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát đã bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công ty này đã rao bán hàng chục dự án ma từ Phan Thiết đến Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam như dự án khu dân cư City 1, City 2, City 3; Hàm Liêm 1 – Hàm Liêm 5; Phong Nẫm… Các dự án này đều là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tính từ năm 2018 đến nay, đã có khoảng 200 người mắc bẫy công ty này.

Các khách hàng cho biết đã đặt cọc, đóng 50%, thậm chí 95% tiền mua đất. Khách hàng đóng ít nhất là 400 triệu đồng, người nhiều nhất lên đến 5 tỷ đồng. Hơn một năm trôi qua, khách hàng vẫn chưa được bàn giao đất và công ty cũng không trả lại tiền hay lãi suất như đã cam kết.

Trước hàng loạt các vụ án đã xảy ra tại các dự án bất động sản “bánh vẽ” trên giấy, huy động vốn trái pháp luật như trên, để hạn chế rủi ro khi mua các dự án bất động sản khách hàng cần tìm hiểu kĩ thông tin pháp lý dự án, năng lực tài chính của doanh nghiệp, khảo sát thực địa dự án về tiến độ triển khai xây dựng… Bên cạnh đó, khách hàng nên tham vấn các chuyên gia pháp lý trước khi thực hiện bất cứ giao dịch liên quan đến bất động sản để hạn chế rủi ro “mất cả chì lẫn chài”.

Còn nữa…

Tin liên quan