Địa ốc Alibaba gây náo loạn: Loạt hành động từ các tỉnh

Ngày 21/8/2019, nhiều cơ quan báo chí trong nước thông tin, Bộ Công an đã yêu cầu lực lượng công an các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. HCM mời các nhà đầu tư của Tập đoàn địa ốc Alibaba lên làm việc để làm rõ phản ánh liên quan đến các dự án “ma” mà công ty này đang rao bán.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã làm việc với các ngân hàng để phong tỏa tài khoản của ông Nguyễn Thái Lĩnh (đại diện pháp luật của Công ty Alibaba) và bà Võ Thị Thanh Mai (phụ trách tài chính của Công ty Alibaba).

Được biết ông Lĩnh là em ruột và bà Mai là vợ của ông Nguyễn Thái Luyện, CEO Tập đoàn địa ốc Alibaba.

Hiện, công an huyện Hàm Thuận Bắc – Bình Thuận đã có giấy triệu tập mời khách hàng mua đất của Công ty Alibaba lên làm việc.

Dia oc Alibaba gay nao loan: Loat hanh dong tu cac tinh
Trụ sở Tập đoàn địa ốc Alibaba ở TP. HCM.

Ngoài ra, công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có giấy mời các khách hàng lên làm việc liên quan đến việc mua bán đất của Công ty Alibaba.

Trước đó vào ngày 17/7, Bộ Công an cũng đã đến trụ sở Tập đoàn địa ốc Alibaba ở TP. HCM làm việc, qua kiểm tra cho thấy ông Nguyễn Thái Lĩnh (đứng tên chủ tài khoản công ty) có lên liên hệ với Ngân hàng Aribank và Ngân hàng Techcombank rút tiền.

Bên cạnh đó, Bộ Công an yêu cầu Tập đoàn địa ốc Alibaba cung cấp hồ sơ gồm: Hồ sơ pháp nhân, điều lệ, cơ cấu tổ chức của Công ty Alibaba và các công ty khác thuộc tập đoàn địa ốc Alibaba; danh sách cổ đông (họ, tên, địa chỉ, số điện thoại) của từng công ty; danh sách nhân viên (họ tên, địa chỉ, số điện thoại) đang làm việc trong từng công ty trực thuộc tập đoàn Alibaba.

Hồ sơ đăng ký thuế của Công ty Alibaba và các công ty khác thuộc tập đoàn Alibaba; báo cáo thuế hàng tháng, bản kê hàng hóa mua vào, bán ra thời điểm từ khi công ty đi vào hoạt động đến nay, nghĩa vụ nộp thuế đến nay như thế nào?

Hồ sơ 39 dự án hiện tập đoàn đang quảng cáo bán, bao gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được sử dụng để thực hiện dự án, các thủ tục pháp lý liên quan giữa tập đoàn địa ốc Alibaba và các cơ quan chức năng thuộc địa phương nơi thực hiện dự án, giấy ủy quyền, hợp đồng hợp tác, sơ đồ bản vẽ dự án…

Liên quan đến việc điều tra của Bộ Công an, ngày 18/8, trong clip livestream chia sẻ các dự án, ông Nguyễn Thái Luyện nói: “Tâm lý người dân khi đụng tới công an thì rất là phiền, tuy nhiên sự việc này anh chị thấy sẽ có lợi cho anh chị rất nhiều vì khi yêu cầu xác minh làm rõ là điều tốt, vì nhờ có cơ quan chức năng đứng ra giám sát nên thông tin sẽ minh bạch”.

Theo ông Luyện, khi Bộ Công an vào cuộc thì Alibaba có muốn cũng không lừa được và nếu Alibaba làm không tốt thì Alibaba sẽ phải trả giá.

“Khách hàng thấy cơ quan chức năng điều tra làm rõ thì khách hàng sẽ yên tâm hơn” – ông Luyện tự tin khẳng định.

Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Trần Tuấn Anh, Công ty Alibaba chỉ là đơn vị phần phối, ăn hoa hồng từ chủ đất nhưng họ lại sẵn sàng trả lợi nhuận lên đến 45%/15 tháng để nhằm lôi kéo khách hàng.

Tiền hoa hồng môi giới một dự án cao nhất hiện nay cũng chỉ 8-10%/tổng giá trị dự án. Alibaba lấy đâu ra tiền để trả cho khách hàng cao hơn nhiều như vậy nếu không phải là lấy của những khách hàng sau trả cho khách hàng trước, “mỡ nó rán nó”.

“Với việc chính quyền nhiều tỉnh thành đang siết vòng kim cô trên đầu địa ốc Alibaba, chặn đứng những dự án ma mới đang manh nha hình thành, sẽ khiến địa ốc Alibaba không thể làm hạ tầng và chào bán công khai các dự án ma như trước. Cộng thêm việc khách hàng phát hiện ra chân tướng mô hình kinh doanh đa cấp đầy rủi ro sẽ đồng loạt đến hạn thanh lý rút tiền. Khi đó địa ốc Alibaba sẽ rơi vào cơn khủng hoảng thực sự vì dòng tiền cạn kiệt thu không đủ bù chi”, vị này phân tích.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Tin liên quan