Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2023.
Theo đó, trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực sử dụng nhiều đất trong sản xuất, kinh doanh như bất động sản, nông nghiệp, khai khoáng… gặp khó khăn do tín dụng thắt chặt, cầu thị trường giảm, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước như mức áp dụng năm 2022.
Cụ thể, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp, sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp năm nay.
Mức giảm tiền thuê đất, mặt nước được tính trên số tiền thuê đất, mặt nước của năm 2023. Trường hợp người thuê đang được giảm hoặc khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định, thì mức giảm 30% này được tính trên số tiền thuê đất, mặt nước phải nộp sau khi đã giảm hoặc khấu trừ.
Theo nhiều chuyên gia, việc giảm tiền thuê đất giúp giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi chi phí sản xuất tăng mạnh, doanh nghiệp chịu nhiều áp lực từ thị trường, thanh khoản… Do đó, khi một chi phí nào đó được gia giảm, sẽ ảnh hưởng tích cực đến chi phí chung cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam đánh giá, việc giảm 30% tiền thuê đất năm 2023 sẽ là lực đỡ rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, chính sách này cũng giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ở khu vực bất động sản công nghiệp cũng như những nhà máy sản xuất kinh doanh. Qua đó, giúp thúc đầy việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung phát triển.
Được biết, trong năm 2022, số tiền thuê đất được giảm (30%) khoảng 3.500 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để có thể sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch.
Năm 2022, quy mô các hỗ trợ tài khoá như giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8%; gia hạn tiền thuế phải nộp; giảm tiền thuê đất, mặt nước; giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu về mức sàn trong biểu khung thuế… là khoảng 233.000 tỷ đồng.