Đất Thanh Hoá quay đầu giảm nhiệt, những “cò đất” bất đắc dĩ đi đâu về đâu?

“Hiện các NĐT ở phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh…rút hết rồi, không còn cảnh mua bán như cách đây một tháng nữa…”, một môi giới đất nền Thanh Hóa chia sẻ.

Cũng như đất đai ở các “điểm nóng” khác trên cả nước, hiện hoạt động mua bán đất nền tại Thanh Hóa đã chính thức “hạ nhiệt”. Không còn cảnh bán buôn tấp nập, lướt sóng, sang cọc như cách đó 1-2 tháng. Dù chưa rõ ràng việc xuống giá của đất nền nơi đây, nhưng việc NĐT rút khỏi thị trường này đang để lại tình trạng im ắng đến khó tin ở một số khu vực vốn “hầm hập” trước đó không lâu.

Theo các môi giới, phần lớn là do chính quyền vào cuộc “mạnh tay”. Bên cạnh văn bản chấn chỉnh tình trạng sốt đất ảo trước đó thì mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.

Tại văn bản trên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi UBND tỉnh có công văn ngày 12/4/2021về tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường BĐS trên địa bàn, đến nay về cơ bản các hiện tượng biến động giá đất “đột biến”, “sốt ảo” đã bước đầu được kiểm soát, giá đất có xu hướng ổn định trở lại.

Do đó, để tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất và thị trường bất động sản trên địa bàn, tránh hiện tượng sốt ảo, bong bóng, đầu cơ đẩy giá, thổi giá đất để trục lợi làm ảnh hưởng đến chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa giao các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường BĐS trên địa bàn.

Trong đó, Tỉnh tổ chức công bố công khai các thông tin về quy hoạch, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời khuyến cáo người dân những nguy cơ, hậu quả có thể xảy ra khi giao dịch đất đai, BĐS mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc giao dịch mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đất Thanh Hoá quay đầu giảm nhiệt, những “cò đất” bất đắc dĩ đi đâu về đâu? - Ảnh 1.

Chính quyền vào cuộc mạnh tay, đất Thanh Hóa chính thức hạ nhiệt sau cơn sốt điên đảo sau Tết Nguyên đán

Trước thông tin này, cơn sốt đất tại Thanh Hoá, nhất là tại các huyện Quảng Xương, Như Thanh, Tp.Thanh Hoá…vốn giá đất nhảy múa liên tục quay đầu giảm nhiệt. Như đã biết, sau Tết Nguyên Đán Tân Sửu, giá đất tại hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều tăng giá đột biến, đặc biệt là đất nền tại các khu vực lân cận TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn và các khu vực đang quy hoạch các dự án lớn. Từ đầu tháng 3/2021, giá đất nền tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã tăng với mức chóng mặt, trung bình khoảng 50 – 60% so với cuối năm 2020.

Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ xưa nay vốn không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua. Hiện giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12- 15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kì năm trước, và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.

Cùng với cơn sốt điên đảo này thì nhà nhà, người người tại Thanh Hóa đều lao vào buôn đất. Những người nông dân vốn bám đất, bán buôn nhỏ…cũng trở thành những “cò đất” trong cơn sốt sục sôi tại địa phương này. Và những “cò đất” tay ngang này bỗng dưng kiếm hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng trong khoảng thời gian ngắn, với họ đó là điều không tưởng từ trước đến nay.

Thế nhưng, việc kiếm tiền nhanh chóng này cũng chỉ diễn ra chóng vánh, và hiện tại những “cò đất” tay ngang này lại quay về với công việc hàng ngày, trong đó có nhiều người còn tỏ ra tiếc nuối rằng “chưa kiếm được nhiều tiền trong cơn sốt đất”. Theo một môi giới khu vực, hiện tại các NĐT phía Bắc đã rút hẳn khỏi thị trường, nhiều nền đất vẫn chưa được bán ra trước đó, nếu là NĐT dày vốn họ vẫn để đó và chờ đợi sau này. Còn với những NĐT vay ngân hàng để lao vào cơn sốt thì chắc chắn là thiệt hại rất lớn.

“Đợt sốt vừa qua, rất nhiều NĐT từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh…vào Thanh Hóa mua đất, nhất là đất nền ven biển, hiện tại đã vắng bóng các NĐT, thị trường quay về thời điểm trước đó, khá im ắng”, một nam môi giới chia sẻ.

Theo ghi nhận, những ngày gần đây, tại các xã Hải Long, Xuân Thái, thị trấn Bến Sung (Như Thanh)- nơi vốn diễn ra cơn sốt đất “sục sôi” trước đó, hiện không còn cảnh người mua, kẻ bán. Các đối tượng “cò” đất ở xuất hiện ở khu vực này hay mọi giao dịch gần như không còn. Tại xã Xuân Thái – nơi cơn “sốt đất” khủng khiếp nhất diễn ra sau Tết Nguyên đán cũng trong tình cảnh “vắng như chùa bà đanh”.

Chia sẻ trên báo chí, đại diện người đứng đầu xã Xuân Thái cho hay, cơ bản người dân được hưởng lợi sau đợt sốt đất. Người dân cũng không ngờ đất ở vùng sâu vùng xa lại được bán với giá cao như vậy. Nhiều gia đình bán được giá gấp 10 lần so với bình thường. Tuy nhiên, khoảng 20 ngày trở lại đây, mọi hoạt động đã diễn ra bình thường, không còn hiện tượng mua bán, giao dịch đất như sau Tết Nguyên đán nữa.

Cơn sốt đất đã hạ nhiệt sau Công văn cảnh báo của UBND tỉnh và 2 văn bản của UBND huyện. Đến nay, gần như không có giao dịch nào nữa. Người dân cơ bản được hưởng lợi.

Còn tại huyện Quảng Xương, cả cò đất và NĐT tay ngang vào thị trường hiện cũng đã trở lại trạng thái ban đầu khi cơn sốt chính thức lắng xuống. Nhiều người trước đó bỏ nghề đi buôn gà, bán phở…để đi lướt sóng kiêm “cò đất” hiện lại tiếp tục với nghề. Trong đó, có một số người cũng chưa “lướt sóng kịp” trước khi cơn sốt hạ nhiệt.

“Em cũng còn 1 nền ở gần biển nữa chị, chưa ra được, nền này cũng vay ngân hàng mất 500 triệu, cũng thấy lo”, một NĐT tay ngang khi gọi điện tỏ ra lo lắng cho biết. Thực tế, cơn sốt đất chóng vánh tại Thanh Hoá, đã có nhiều người “hốt bạc” nhờ lướt sóng thành công nhưng cũng không ít người như “ngồi trên đống lửa” khi chưa ra được hàng, nhất là những NĐT vay ngân hàng để lao vào cơn sốt đất.

Theo ông Mai Đức Toàn, một chuyên gia BĐS có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS, rất khó để có thể biết được bao nhiêu nhà đầu tư bị “bỏ lại” sau cơn sốt đất. Người “bị bỏ lại” là nhà đầu tư “ôm đất” chưa kịp ra hàng trước khi cơn sốt đất “hạ nhiệt”. Đặc biệt thiệt hại nặng nề nhất là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao để “ôm đất”.

Trong khi đó, người “thắng đậm” là một số nhà đầu tư F0, F1 nhanh tay “đẩy hàng” ngay trong giai đoạn “đỉnh sốt”, thu tiền chênh lệch. Toàn cảnh của cơn sốt đất, người được hưởng lợi nhiều nhất chính là “cò” khi không mất vốn mà vẫn được hưởng hoa hồng cao. Một bộ phận chủ đất cũng được hưởng lợi bởi chiêu thức thổi giá đã khiến cho giá trị đất tăng cao gấp nhiều lần so với giá trị thực.

“Tuy nhiên theo kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực BĐS, tôi cho rằng, tỷ lệ nhà đầu tư thắng đậm sẽ rất thấp cho với tỷ lệ “thua đậm” và hệ lụy đằng sau những cơn sốt đất sẽ rất dai dẳng đối với sự phát triển của địa phương và bản thân những nhà đầu tư “sa lầy” trong cơn sốt”, ông Toàn chia sẻ.

Tin liên quan