Đắc tội với vô số kẻ thù, vì sao Võ Tắc Thiên vẫn có kết cục yên ổn sau khi đã “rớt đài”?

Võ Tắc Thiên (624 – 705), còn được gọi là Võ hậu hay Thiên hậu. Sinh thời, bà từng là một phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau lại trở thành Hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị.

Sau này, bà đã lên ngôi trở thành Hoàng đế đầu tiên và duy nhất của nhà Chu, đồng thời cũng là Nữ hoàng duy nhất được chính thức công nhận trong lịch sử Trung Hoa.

Năm xưa để dọn đường cho sự nghiệp chính trị của mình, Võ Tắc Thiên đã dùng sự cơ trí cùng lối hành xử có phần tàn nhẫn để loại bỏ đi không ít những kẻ đối kháng. Cũng bởi vậy mà những người mang dã tâm muốn loại bỏ bà có lẽ nhiều không đếm xuể.

Thế nhưng điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, ngay cả khi vị Nữ hoàng này “rớt đài” và trả lại giang sơn cho nhà Lý Đường thì vẫn không một kẻ nào dám đụng tới bà. Vậy tại sao dù đã rơi vào cảnh không quyền không thế, Võ Tắc Thiên vẫn không bị ai trả thù?

Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc), điều tưởng như kỳ lạ và nghịch lý này thực chất bắt nguồn từ 3 nguyên nhân mấu chốt dưới đây.

Nguyên nhân thứ nhất: Võ Tắc Thiên chủ động trả lại giang sơn cho nhà Lý Đường chứ không phải bị ép nhường ngôi.

 Đắc tội với vô số kẻ thù, vì sao Võ Tắc Thiên vẫn có kết cục yên ổn sau khi đã rớt đài? - Ảnh 1.

Tranh chân dung Võ Tắc Thiên và hình tượng được xây dựng trên màn ảnh.

Về sự kiện Võ Tắc Thiên nhường ngôi, sử cũ ghi lại: Sau khi chính biến Thần Long diễn ra thành công, hai nam sủng họ Trương lộng quyền đã bị giết chết, Võ Tắc Thiên nhanh chóng “thiện nhượng”, truyền lại ngôi vị cho Đường Trung Tông.

Tuy nhiên trên thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng việc Võ Tắc Thiên nhường ngôi là do bà chủ động chứ không phải do bị ép buộc.

Theo quan điểm của Qulishi, vị Nữ hoàng họ Võ này vốn sở hữu tâm tư thâm sâu, sau khi lên ngôi đã thanh trừng toàn bộ trung thần và những người có sức ảnh hưởng của Đường triều năm xưa. Vì thế, bà không phải là người có thể dễ dàng bị triều thần gây sức ép như vậy.

Hơn nữa, những người trong triều đình sau này đều là những nhân vật thuộc phe mình, được Võ Tắc Thiên ban cho chức cao vọng trọng.

Cho nên có thể nói rằng việc bà trả lại giang sơn cho nhà Lý Đường thực chất là một quyết định tình nguyện xuất phát từ nhiều mục đích sâu xa khác.

Trong số đó, lý do quan trọng hơn cả là Võ Tắc Thiên nhận ra bách tính muôn dân vẫn một lòng hướng về họ Lý, vì vậy nếu họ Võ tiếp tục ở ngôi vua thì sẽ khó tránh khỏi nội loạn.

Để lưu lại một đường lui an toàn cho gia tộc của mình, vị Nữ hoàng ấy mới quyết định nhường lại ngai vị cho hoàng tộc Lý Đường chứ không phải do bị bức ép.

Nguyên nhân thứ hai: Hậu duệ của nhà Lý Đường sau này cũng đều là con cháu của Võ Tắc Thiên.

 Đắc tội với vô số kẻ thù, vì sao Võ Tắc Thiên vẫn có kết cục yên ổn sau khi đã rớt đài? - Ảnh 2.

Sau khi Võ Tắc Thiên “rớt đài”, giang sơn vốn đã đứt gánh giữa đường của Đường triều lại được khôi phục trở lại. Hậu duệ của hoàng tộc họ Lý tiếp tục được thừa kế ngai vàng.

Tuy nhiên điều đáng nói lại nằm ở chỗ, những nhân vật còn lại của hoàng tộc họ Lý thực chất đều là con cháu của Võ Tắc Thiên, còn những người không chảy trong mình nửa dòng máu họ Võ đa số đều đã bị vị Nữ hoàng ấy sớm diệt trừ từ lâu.

Thực tế cũng cho thấy, hai vị Hoàng đế Đường triều được kế thừa ngai vị sau khi nhà Chu sụp đổ lần lượt là Đường Trung Tông Lý Hiển và Đường Duệ Tông Lý Đán đều là con ruột của Võ Tắc Thiên với Cao Tông Lý Trị.

Vì vậy có thể nói rằng, dù Võ Tắc Thiên có nhường ngôi hay không thì những người cầm quyền tiếp theo dẫu sao vẫn là con cháu của bà, chỉ có điều mang họ Lý hay họ Võ mà thôi.

Do đó, bất luận vị Nữ đế này năm xưa có dùng thủ đoạn tàn khốc tới nhường nào để đối phó với họ Lý thì sau khi nhường ngôi, bà vẫn có thể an toàn bởi những hậu duệ chảy chung dòng máu không nỡ đuổi cùng giết tận.

Nguyên nhân thứ ba: Gia tộc họ Võ vẫn có sức ảnh hưởng ngay cả khi Võ Tắc Thiên đã không còn tại vị

 Đắc tội với vô số kẻ thù, vì sao Võ Tắc Thiên vẫn có kết cục yên ổn sau khi đã rớt đài? - Ảnh 3.

Năm xưa để trải đường cho gia tộc của mình, Võ Tắc Thiên đã tru  diệt gần như toàn bộ những triều thần bất đồng về quan điểm chính trị.

Sau đó, những người họ Võ được đưa vào nằm vùng trong triều đình, ai ai cũng sở hữu quyền cao chức trọng, số còn lại hầu hết chỉ là những quan lại không mấy có sức ảnh hưởng.

Cho nên có thể nói rằng, mặc dù Võ Tắc Thiên thoái vị, nhưng gia tộc của bà vẫn nắm giữ đại cục triều chính. Bản thân con gái ruột của bà là Thái Bình Công chúa năm xưa cũng là một nhân vật nối gót mẹ mình hô mưa gọi gió trên triều đình trong suốt một thời gian dài.

Vì vậy nên ngay cả khi đã rớt đài, Võ Tắc Thiên vẫn có không ít người thân thích che chở và bảo vệ, không phải lo lắng tới an nguy tính mạng do bị trả thù hay ám hại.

 Đắc tội với vô số kẻ thù, vì sao Võ Tắc Thiên vẫn có kết cục yên ổn sau khi đã rớt đài? - Ảnh 4.

Nhìn lại cuộc đời của Võ Tắc Thiên, không thể phủ nhận được rằng bà là một Nữ đế sở hữu mưu trí ưu việt, năng lực xuất chúng, lại thêm lối hành sự quả quyết, không dễ mềm lòng như những nữ nhi bình thường.

Thế nhưng sau khi đã đạt tới đỉnh cao của quyền lực và danh vọng, bà lại quyết định buông xuôi tất cả để lui về phía sau an hưởng tuổi già.

Có lẽ, lý do mà Võ Tắc Thiên trả lại giang sơn cho nhà Lý Đường là vì muốn lưu lại cho gia tộc của mình một đường lui an toàn. Hoặc cũng có thể sau khi đã trải qua cả một đời tranh đấu, vị Nữ đế ấy đã nhìn thấu  sự vô nghĩa của việc tranh quyền đoạt vị nên lựa chọn buông bỏ.

Thế nhưng dù cho lý do phía sau quyết định ấy có là đúng hay sai thì lịch sử vẫn ưu ái dành cho bà một cái kết được cho là có hậu.

Ngày 26 tháng 11 năm 705, Võ Tắc Thiên băng hà tại Tiên Cư Điện trong Thượng Dương cung ở tuổi 83 (có tài liệu ghi là 81).

Sau đó, bà được hợp táng vào Càn Lăng cùng chồng là Đường Cao Tông đúng như di nguyện trước lúc qua đời.

*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc)


Trần Quỳnh

Tin liên quan