Cơn bĩ cực của các doanh nghiệp bất động sản
Từ nhiều tháng nay, khi thị trường địa ốc gần như đóng băng thanh khoản, dòng tiền bán hàng ngưng trệ, nguồn vốn trái phiếu, tín dụng ngân hàng ách tắc, theo lãnh đạo một công ty chuyên môi giới, tư vấn chuyển nhượng dự án bất động sản chia sẻ, công việc của ông chưa khi nào hết bận rộn.
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, nhu cầu muốn bán dự án bất động sản của các chủ đầu tư hiện nay là vô cùng lớn. Không ít những doanh nghiệp địa ốc tầm cỡ đã mời công ty tư vấn vào để đánh giá lại các dự án, môi giới chuyển nhượng cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
“Hàng chục dự án bất động sản trải la liệt trên bàn để đánh giá pháp lý, tình trạng triển khai là tình cảnh đang diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp địa ốc. Thậm chí, chỉ cần bán được là bán luôn, bán bằng mọi giá. Có những dự án đã giảm đến 50% giá bán so với thời điểm thị trường sốt nóng cách đây 2 năm trước”.
Lãnh đạo công ty môi giới chuyển nhượng dự án này dẫn chứng cho thấy một thực trạng rằng, phần lớn các doanh nghiệp địa ốc đều đang hết sức khó khăn.
Càng các doanh nghiệp lớn, đầu tư dự án nhiều, áp lực dòng tiền mà họ đang gặp phải càng “khủng khiếp”. Nếu những vướng mắc về dòng tiền không được tháo gỡ, nguy cơ tạm dừng hoạt động, phá sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Các doanh nghiệp địa ốc hiện đang cạn kiệt dòng tiền, kiệt quệ về sức lực để có thể tiếp tục duy trì hoạt động” cũng là nhận định của TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể trong năm 2022 tăng 38,7% so với năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp ngừng kinh doanh trên thị trường rất lớn, nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoàn toàn nhưng chưa làm thủ tục giải thể.
Số môi giới phải nghỉ việc cũng lên đến hàng chục nghìn người, ước đạt 80% lực lượng môi giới trên toàn bộ thị trường. Đằng sau những con số biết nói đó là thanh khoản thị trường sụt giảm nghiêm trọng, thị trường chứng khoán đỏ lửa, vốn tín dụng ngân hàng ách tắc và hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán.
Nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản cho biết, nếu tình hình này kéo dài, không thể giải bài toán về dòng tiền, họ chỉ có thể “cầm cự” đến hết quý II/2023.
Chật vật “sinh tồn” vẫn bế tắc
Trong suốt nhiều năm qua, đầu tư lớn, mở rộng quy mô dự án một cách nhanh chóng từng được coi là con đường phát triển và thước đo thành công của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Thế nhưng giờ đây, mục tiêu chính của nhiều chủ đầu tư địa ốc chỉ là bằng mọi cách để “sinh tồn”, “sống sót được” qua giai đoạn thị trường hiện nay.
Theo ông Đính, các doanh nghiệp bất động sản hiện đang rất “chật vật” tìm mọi cách để để duy trì hoạt động. Trong đó, việc đầu tiên họ làm là thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy lao động, thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; sau đó là nỗ lực giảm giá để bán hàng, chuyển nhượng dự án.
Bức tranh màu xám của thị trường bất động sản đã khiến nhiều doanh nghiệp ở thế khó chồng khó, thậm chí phải nợ lương nhân viên, cắt giảm nhân sự vì không còn dòng tiền. Có doanh nghiệp đã cắt giảm tới 60 – 70% nhân sự, chỉ duy trì bộ máy hoạt động tối thiểu.
Việc thiếu tiền mặt cũng khiến nhiều chủ đầu tư dự án giảm giá sâu tới hàng chục % cho khách hàng mua nhà thanh toán 95% giá trị sản phẩm ngay khi ký hợp đồng mua bán thay vì mức chiết khấu thông thường chỉ từ 5 – 10% như trước đây.
Tại một dự án căn hộ tại Linh Đàm (Hà Nội), tổng mức chiết khấu hiện đã lên tới gần 40% nếu người mua thanh toán vượt tiến độ 95% giá trị căn hộ. Hiện các căn hộ tại dự án này đang được rao bán với giá từ 33 – 47 triệu đồng/m2, tuy nhiên, áp dụng mức ưu đãi khủng này, giá căn hộ chỉ còn khoảng 30 triệu đồng/m2, từ 2,4 tỷ đồng cho một căn hộ 2 phòng ngủ.
Còn nhớ thời điểm cuối năm ngoái, mức chiết khấu tại dự án này mới chỉ ở mức 30%. Điều này có nghĩa, chủ đầu tư dự án đã tăng mức ưu đãi để hẫp dẫn người mua nhà.
Dự án Meraki Residences Ecoprark cũng là một trong những chung cư có chính sách bán hàng gây chú ý trên thị trường hiện nay khi chủ đầu tư tung ra mức chiết khấu lên đến 18% giá trị căn hộ cho khách hàng không chọn vay ngân hàng, thanh toán sớm.
Tại TP. HCM, một dự án căn hộ tại TP. Thủ Đức vừa ra mắt cũng đã gây “sốc” cho thị trường với công bố có tổng chiết khấu lên đến 40% khi nhà đầu tư thanh toán vượt tiến độ đến 98%. Điều này có nghĩa một căn hộ 70m2 tại đây với giá gốc khoảng 4,76 tỷ đồng sẽ chỉ còn giá dưới 2,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc giảm giá để bán bất động sản cho khách hàng cũng không dễ. Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh cạn room tín dụng và hạn chế nguồn vốn tín dụng vào thị trường bất động sản, nếu muốn thanh toán ngay 95% giá trị căn hộ để nhận mức chiết khấu, không có giải pháp nào khác ngoài việc họ phải có tiền mặt. Do đó, chính sách tưởng như rất hấp dẫn nhưng lại “bất khả thi” với đại đa số người mua nhà.
Đó là chưa kể với việc tăng lãi suất của các ngân hàng hiện nay, nếu tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nhiều khách hàng cũng có sự đắn do rất lớn khi cân đối đến khả năng trả nợ. Nhiều người mua nhà cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, họ rất ngại khi xuống tiền vì lo sợ chủ đầu tư dự án gặp khó về nguồn vốn, dự án không thể triển khai đúng tiến độ.
Trong khi kênh bán hàng cho người mua nhà chưa thể khơi thông thanh khoản, nhất là khi niềm tin thị trường chưa trở lại, các chủ đầu tư địa ốc đã rất nỗ lực bán bớt tài sản để có dòng tiền.
Song, trên thị trường hiện nay không thiếu những dự án đã giảm tới 50% giá bán so với thời điểm sốt nóng vẫn không thể bán được hàng do pháp lý ách tắc, nhà đầu tư mới ngần ngại xuống tiền.
Trước bối cảnh hết sức khó khăn, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, tăng khuyến mãi, chiết khấu, thậm chí giảm giá, chấp nhận “bán lỗ”, để có dòng tiền, có thanh khoản. Các doanh nghiệp cần bằng mọi cách để “tồn tại trước đã” rồi mới tìm cơ hội phát triển trở lại.
Cùng với đó, Chính phủ cũng cần có cơ chế tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho thị trường để khơi thông điểm nghẽn về thanh khoản. Đây là yếu tố rất quan trọng nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp và từng bước lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.