Chuyện chiếc cốc trên tay vị giáo sư
Một vị giáo sư đại học Harvard đang diễn giảng, phía dưới khán đài không còn một chỗ trống.
Ông cầm một chiếc cốc bên trong chứa nước lên và hỏi các thính giả đang có mặt: “Mọi người hãy đoán xem, chiếc cốc này nặng bao nhiêu?”
Mọi người trả lời sôi nổi: “50 gram”, “100 gram”, “125 gram”.
Vị giáo sư trả lời: “Tôi cũng không biết nó nặng bao nhiêu, nhưng có thể khẳng định người cầm nó không hề cảm thấy mệt chút nào.”
“Vậy bây giờ, câu hỏi của tôi là, nếu chúng ta cứ cầm cốc nước như thế này trong mấy phút, kết quả sẽ ra sao?”
Mọi người trả lời: “Sẽ chẳng sao cả.”
Vị giáo sư lại hỏi. “Vậy thì, nếu cầm như thế này suốt 1 tiếng, thì sẽ như thế nào?”
“Cánh tay sẽ hơi đau ạ.” Một vị thính giả trả lời.
Giá sư lại nói: “Câu trả lời chính xác. Nếu tôi cầm chiếc cốc suốt cả ngày thì sao?”
“Vậy thì chắc chắn cánh tay sẽ tê bại, không chừng các cơ đều co thắt, đến lúc đó không tránh khỏi phải tới bệnh viện.
“Rất đúng. Trong thời gian tôi cầm cốc nước, dài hay ngắn, thì trọng lượng cốc nước có thay đổi không?”
“Không hề.”
4 kiểu người có đức cao phúc dày, gặp được trong đời là điều may mắn, nhất định phải trân trọng
Giáo sư ngừng giây lát lại hỏi: “Vậy thì cánh tay cầm cốc nước tại sao lại đau? Tại sao cơ bắp bị co thắt? Tôi nên làm gì nếu không muốn cánh tay đau nhức và các cơ bắp co thắt?”
“Rất đơn giản, thầy nên đặt cốc nước xuống”, 1 thính giả trả lời.
Giáo sư tiếp tục đáp: “Chính xác! Thực ra, đôi lúc những niềm đau trong cuộc sống giống như chiếc cốc trong tay tôi vậy.
Chúng ta đau khổ trong vài phút không sao, nhưng nếu cứ day dứt nghĩ tới nó suốt thời gian dài, nỗi đau đó có thể sẽ gặm nhấm tâm hồn thể xác chúng ta. Ngày này qua tháng khác, nó có thể khiến cho tinh thần của chúng ta dần suy sụp. Khi đó, chúng chẳng thể làm nổi bất cứ việc gì.”
Lời bình
Bên cạnh bạn có hay không những người cả ngày buồn rười rượi, mang bộ mặt hận đời, trăn trở, đau khổ, buồn phiền chỉ vì những chuyện vặt vãnh, chứ nào phải những chuyện lớn lao không thể cứu vãn?
Có một câu nói rất hay, đời người không có chuyện gì to tát hơn chuyện sinh tử. Đại đa số chúng ta đều hiểu chân lý này nhưng vẫn không thể thực hiện được nó.
Thực ra, trong cuộc sống, mỗi người đều có rất nhiều điều không như ý, từ những chuyện lớn như sức khỏe bản thân, công việc gia đình của con cái hay sức khỏe của cha mẹ cho tới những việc cơm nước rau cỏ, tương cà mắm muối hàng ngày.
Cuối cùng thứ quật ngã một con người, có thể không phải là những sự cố lớn không thể chống đỡ mà là tâm trạng thảm hại khi bạn không chịu buông tha chính mình.
Người lạc quan không phải là người chưa từng kinh qua thế sự, mà là người cho dù sa vào bùn lầy, mọi thứ không theo ý, vẫn cho thấy một tâm thái tích cực.
Chỉ cần họ có thể gánh vác họ sẽ nỗ lực gánh vác; chỉ cần có thể nhẫn nhịn, họ sẽ nhẫn nhịn; điều không thể thay đổi, họ sẽ bỏ qua; còn hy vọng là còn cố gắng.
Voltaire từng nói: Điều khiến bạn mệt mỏi không phải là núi cao xa xôi, mà là một hạt cát trong đôi giày của bạn.
Một người vì rơi mất vài đồng mà cằn nhằn cả buổi, để lỡ mất một bến xe, làm ảnh hưởng tới tâm trạng cả một buổi chiều. Thậm chí có những người hễ mở mồm là than vãn bản thân đen đủi.
Không phải là họ quan tâm vài đồng bạc, hay vài phút bị lãng phí mà là họ quá dễ xúc động nên mới cố chấp với chính bản thân mình.
Đời người chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều chuyện không theo ý muốn. Chính những trải nghiệm lớn nhỏ này sẽ khiến chúng ta học cách lắng đọng, làm phong phú, hoàn thiện bản thân tốt hơn.
Những việc trong quá khứ không thể thay đổi, điều trong tương lai lại không thể đoán trước, chúng ta chỉ có thể nắm bắt hiện tại, sống hết mình cho ngày hôm nay.
Bạn sẽ phát hiện ra, không có ai là không thể lãng quên, không việc gì là không thể vượt qua. Sai lầm thì cũng đã sai lầm rồi, xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi, hãy nắm chặt hiện tại, đó mới là điều còn mãi.
Học cách buông bỏ, không tưởng nhớ quá khứ, cũng là không sợ hãi tương lai.
Học cách buông bỏ, tha thứ cho người khác, cũng là thỏa hiệp với chính mình.
Học cách buông bỏ, gánh vác và chấp nhận, cũng là bắt đầu một điều mới, một xuất phát điểm mới.
Đôi khi chúng ta không tính toán, hoàn toàn không phải vì không quan tâm, mà vì chúng ta biết rằng con đường phía trước còn dài. Ở quá lâu trong vũng lầy, càng lún càng sâu, chi bằng cố gắng sớm giải thoát chính mình.
Chúng ta sống trên đời là vì muốn gặp những người xứng đáng được trân trọng hơn, làm được những việc xứng đáng theo đuổi hơn, thưởng thức phong cảnh đẹp hơn thay vì ngủ quên trong bụi rậm mà day dứt cả đời.
Trong cuộc đời, không cần đòi hỏi quá nhiều. Biết hài lòng, biết buông bỏ, thân tâm an lạc, tự khắc sẽ có niềm vui.
Tất nhiên không phải một sớm một chiều chúng có thể có được thái độ sống như vậy. Chúng ta cần phải đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường, gặp vô số những người tài năng, không ngừng tu tâm dưỡng tính trong muôn vạn khó khăn.
Cuối cùng mới có thể rèn luyện bản thân ngày một ôn hòa, cởi mở, và hoàn thiện hơn.