Bacon nói:
“Đọc sử khiến con người ta sáng suốt, đọc thơ khiến con người ta thông siêu, toán học khiến con người ta chu toàn, vật lý khiến con người ta sâu sắc, đạo đức khiến con người ta trang nghiêm, logic và hùng biện khiến con người ta hùng hồn.”
Chúng ta đều biết đọc sách là tốt, nhưng đọc là phải đọc sách hay, đọc cho thấm, chứ không phải đọc sách rác, đọc cho có.
Dưới đây là 5 cách đọc sách của cổ nhân người Trung Quốc, hi vọng đem lại cho các bạn phần nào sự kiến giải về phương pháp đọc sách hiệu quả.
01
Đào Tiềm: đọc sách hội ý
Đào Tiềm hay Đào Uyên Minh, là một nhà thơ lớn thời nhà Tấn và Lưu Tống của Trung Quốc.
Đọc sách, thứ ta đọc là cái tâm cái tình.
Đào Tiềm trong “Ngũ liễu tiên sinh truyện” có viết:
“Đọc sách hay, không cầu kiến giải, mỗi lần hội ý, vui mừng khôn siết.”
Ý muốn nói, Đào Tiềm mỗi khi đọc sách sẽ chỉ lĩnh hội ý chính, không nghiên cứu quá sâu, đi tìm hiểu từng câu từng chữ; mỗi khi lĩnh ngộ được nội dung chính của cuốn sách, ông sẽ vui mừng tới quên ăn quên ngủ.
Trong “Quy khứ lại hề”, ông biết:
“Lạc cầm thư dĩ tiêu ưu.”
Đối với ông mà nói, thưởng nhạc, đọc sách là một thú vui để giải trí, với ông, đọc sách cũng giống như nhặt cúc xới đất, đều là những việc rất đời thường, rất tự nhiên, là một hoạt động của con người, không cần phải đính kèm thêm quá nhiều thứ vào làm gì.
Đây là một cảnh giới của người đã trải qua hết biết bao nhân tình thế thái.
Và cái thái độ với sách này, không chỉ có mình Đào Tiềm.
Tiền Chung Thư, một nhà văn nổi tiếng khác của Trung Quốc cũng từng nói:
“Trên thế giới này vẫn còn một kiểu người. Họ cho rằng mục đích của việc đọc sách, không phải là để viết phê bình hay giới thiệu. Ở họ có một sự tùy hứng và ung dung của một người đang thưởng thức thú vui tao nhã của mình, họ không vội không vã lật giở, chu du trong từng trang sách…”
Đọc sách một cách điềm tĩnh, ung dung, có được cho mình một khoảng không gian tĩnh lại khi đọc sách, đó cũng là một lựa chọn không tồi.
02
Cố Viêm Thức: đi ngàn dặm đường
Cố Viêm Thức là một nhà văn, nhà địa lý học nổi tiếng thời nhà Thanh, Trung Quốc.
Đọc sách hoặc viễn hành, cơ thể và tâm trí, luôn sẽ có một thứ mãi mãi ở trên đường.
Cố Viêm Thức là điển hình cho phương pháp đọc “đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”.
Có một ghi chép như này:
Khi Cố Viêm Thức ra ngoài, ông sẽ chỉ cần một con la, hai con ngựa và một xe sách để lên đường, qua mỗi một địa điểm, ông đều sẽ dừng lại nói chuyện với người dân địa phương, tìm hiểu một chút phong tình thế thái nơi bản địa.
Nếu nó khác so với những gì mình được biết trước đó, ông sẽ viết lại thật rõ ràng, và hỏi cặn kẽ tới khi không còn ngờ hoặc nữa thì thôi.
Đọc hết sách, đối chiếu những câu văn trong sách với thực tế, thông tin có được hoàn chỉnh hơn, có vậy mới khiến quyển sách trở nên có giá trị.
Chúng ta không chỉ cần đọc những câu chữ trong từng trang sách, mà còn phải đọc cả “cuộc sống” ngoài trang sách ấy.
Đọc sách là trí tuệ, lên đường là trải nghiệm.
Đọc vạn cuốn sách, rồi đi vạn dặm đường, trải nghiệm từng con chữ trong cuốn sách trong cuộc sống thực, đem những trải nghiệm đó biến thành trí tuệ sinh tồn của bản thân.
03
Tô Thức: lần lượt chinh phục
Lang thang giữa biển sách, ba ngàn con sông, bạn chọn uống nước ở con sông nào?
Đọc sách, cũng cần mục tiêu, nếu không sẽ mất phương hướng, nhốt mình giữa biển sách ấy.
Tô Thức, nhà thơ nổi tiếng thời nhà Tống, Trung Quốc nói:
“Thư phí như nhập hải, bách hóa giai hữu chi, nhân chi tinh lực, bất năng kiêm thu tính thủ, đản đắc kì sở dục cầu giả nhĩ.”
Ý muốn nói tri thức là vô biên, trong khi sức người có hạn, chúng ta không thể đọc hết được mọi cuốn sách trên đời, nhưng chúng ta có thể tập trung tinh thần cho một cuốn sách hay, nghiên cứu tới cùng một vấn đề, đây mới là phương pháp đọc sách thông minh.
Tô Thức cũng dùng cách này để đọc “Hán thư”.
Lần thứ nhất đọc “Hán thư”, ông học được “đạo trị thế”; lần thứ hai đọc lại, ông học được “pháp dụng binh”; lần thứ ba đọc lại, ông nghiên cứu về nhân vật và quan chế.
Cứ đọc đi đọc lại nhiều lần như vậy, Tô Thức đã nằm lòng tất cả nội dung ở nhiều phương diện của cuốn “Hán thư”.
Trong cuộc sống, đọc sách cũng như vậy, một cuốn sách hay, xứng đáng để đọc đi đọc lại nhiều lần, nghiên cứu vấn đề tới khi thông suốt, thực sự lĩnh hội nội dung và ý nghĩa của cuốn sách, đọc sách có mục đích, bạn mới thu được thứ mà mình muốn.
04
Chu Hi: “tam đáo” trong đọc sách
Trước khi đọc sách, phải điều chỉnh lại thái độ đọc sách của mình.
Nho gia thời Nam Tống, Trung Quốc, Chu Hi nói:
“Độc thư hữu tam đáo, vị tâm đáo, nhãn đáo, khẩu đáo.”
“Tam đáo” ở đây, quan trọng nhất là “tâm đáo”.
Ý muốn nói, nếu tâm tư không dành cho việc đọc sách, mắt không nhìn câu chữ cẩn thận, tâm và mắt không chuyên tâm, đọc sách theo kiểu tùy tiện, không nhớ bất cứ nội dung nào, thì đây gọi là “giả vờ đọc sách”.
Trước khi đọc sách, phải gạt bỏ hết mọi tạp niệm, điều chỉnh lại tâm tư, thái độ, chúng ta không chỉ dùng mắt để đọc mà còn phải dùng cả cái tâm để đọc.
Khi bạn dụng tâm vào việc đọc sách, mắt của bạn tự nhiên sẽ chú tâm, cứ đọc cứ đọc dần dần rồi sẽ thả hồn mình vào trong đó, khi ở một mình, bạn thậm chí còn có thể đọc thành tiếng.
Vì vậy, trước khi đọc sách, nhất định phải xử lý cho xong những chuyện xung quanh, cho bạn thân một khoảng thời gian lý tưởng không bị làm phiền.
Bạn có thể lựa chọn vào cuối tuần hoặc sau khi ăn trưa, buông điện thoại xuống, hãm một tách trà, yên tĩnh lại, chuyên tâm thu hoạch những tri thức trong sách.
Kiểu đọc sách, đọc bằng trái tim, nhận vào bằng mắt, đọc to bằng miệng, truyền vào trong tai, cả cơ thể hòa nhập vào cùng cuốn sách, nhất định có thể giúp việc đọc sách trở nên có hiệu quả hơn.
05
Đổng Ngộ: Phương pháp “tam dư”
Có thời gian, năng đọc sách; lúc bận rộn, tranh thủ đọc.
Học giả nổi tiếng thời Hán, Trung Quốc, Đổng Ngộ nói:
“Độc thư tam dư, đông giả tuế chi dư, dạ giả nhật chi dư, vũ giả thanh chi dư.”
Ở thời cổ đại, mùa đông là thời gian rảnh rỗi trong làm nông nghiệp, buổi tối là thời gian rảnh rỗi của cả ngày, những ngày mưa là khoảng thời gian rảnh rỗi so với lúc bình thường.
Vì vậy, ông cho rằng, 3 khoảng thời gian này, chính là khoảng thời gian thích hợp nhất để đọc sách.
Có thể thấy, ngay từ thời cổ đại, cổ nhân đã ý thức được tầm quan trọng của việc tranh thủ thời gian để đọc sách.
Lỗ Tấn từng nói:
“Thời gian giống như nước trong miếng bọt biển, cứ vắt là vẫn còn.”
Nếu bình thường bạn không có nhiều thời gian để đọc sách, vậy thì bạn có thể lợi dụng mọi khoảng thời gian mà bạn có thể tận dụng.
Có thể đọc ở trong hoàn cảnh thích hợp, chẳng hạn như những khi đi làm sớm, ngồi trên xe buýt, trong lúc đợi xếp hàng mua gì đó….
Tận dụng thời gian rảnh rỗi để đọc sách, cần chú ý hai điểm:
Một là đọc những bài ngắn, những bài khoảng 5-10 phút là đã có thể đọc xong, đọc một câu chuyện nhỏ, một bài thơ, hoặc thậm chí là một cuốn sách ghi lại những câu nói hay…
Hai là phải có khoảng thời gian rảnh rỗi cố định, hình thành một thói quen, kiên trì lâu dài, mới có thể tích tiểu thành đại.
Những cuốn sách mà bạn đọc rồi sẽ trở thành khí chất của bạn, thậm chí thay đổi cả diện mạo tinh thần của bạn.
Vì vậy, bất kể cuộc sống có bận rộn tới đâu, việc đọc sách là việc không thể trì hoãn hay dừng lại.
Dư Thu Vũ, một nhà văn, học giả người Trung Quốc nói:
“Lý do lớn nhất để đọc sách chính là để thoát khỏi sự tầm thường, đọc sớm ngày nào, cuộc đời nhiều hơn một phần rực rỡ ngày đó; muộn ngày nào, sự tầm thường sẽ nhiều thêm một ngày đó.”
Vì vậy, đọc sách cần phải đọc sớm, tuyệt đối không trì hoãn.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị