Sát Tết Nguyên đán âm lịch, cùng với những thông tin rao bán “cắt lỗ” trên thị trường, câu chuyện bất động sản đã chạm “đáy” chưa và nên “bắt đáy” bất động sản vào thời điểm nào nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư bất động sản cũng như người mua nhà để ở.
Đáy bất động sản được hiểu là mức giá thấp nhất mà khách hàng, nhà đầu tư có thể mua được. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, không có một thước đo nào để có thể xác định được đâu là “đáy” của thị trường. Để không bỏ lỡ cơ hội, nhà đầu tư cần xác định rõ mục tiêu của mình khi đầu tư bất động sản.
Theo đó, nhu cầu đầu tư là sự mong muốn của khách hàng, song nhu cầu đó còn phải đáp ứng thêm khả năng chi trả. Tăng trưởng kinh tế và thu nhập sẽ dần chuyển nhu cầu thành thực cầu và tiềm năng thành cơ hội.
Nhìn từ góc độ của nhà đầu tư, thực cầu và cơ hội đầu tư bất động sản ở Việt Nam là rất hấp dẫn. Sức hút này có thể tạo ra những giai đoạn bùng nổ về xây dựng, thị trường tốt sẽ có khả năng tự điều tiết cung cầu.
Khi cung lớn hơn cầu, không có người mua, để tạo thanh khoản, chủ sở hữu bất động sản sẽ phải điều chỉnh giá cân bằng tại điểm người mua chấp nhận trả với mức lợi nhuận kỳ vọng hoặc trừ đi khoản lỗ tối đa mà nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể chấp nhận trong trường hợp cần “cắt máu”.
Chính vì vậy, để trả lời được câu hỏi có nên “bắt đáy” bất động sản ở thời điểm này hay không, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, khách hàng có nhu cầu mua bất động sản để ở, tích trữ tài sản hay để đầu tư đều cần phải tự làm rõ các vấn đề như hiện trạng tài chính của bản thân, nhu cầu – mục đích – thời hạn đầu tư, bối cảnh tại khu vực dự định đầu tư.
Đối với các nhà đầu tư, sau 2 năm phát triển, đây là giai đoạn thích hợp, là cơ hội “có một không hai” để các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, nắm bắt thông tin thị trường, có tiềm lực tài chính mạnh, dòng tiền nhàn rỗi, sẵn sàng đầu tư 3-5 năm trở lên với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng có thể “gom hàng” do giá bán đã dần ổn định và có nhiều lựa chọn, đặc biệt là ở thị trường thứ cấp.