Cơ hội bứt phá của bất động sản Khánh Hòa

Một trong những quyết sách quan trọng nhất đối với sự phát triển của Khánh Hoà phải kế đến Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành đầu năm 2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 là thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045 là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Thực hiện nghị quyết này, ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 55 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thủ phát triển tỉnh Khánh Hòa. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời nơi đây còn là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế, là một cực tăng trưởng, trung tâm khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp, công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Bên cạnh đó, để sớm vượt qua những thách thức, đồng thời xác định rõ tầm nhìn dài hạn và hệ giải pháp tổng thể, theo ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050: Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm quy hoạch phân khu thuộc đô thị mới Cam Lâm.

Những chuyển biến chính sách lớn này được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ có những tác động rất lớn đến thị trường bất động sản Khánh Hoà trong thời gian tới. 

Việc hoàn thiện các quy hoạch chung để làm cơ sở triển khai lập các quy hoạch phân khu, hướng tới phủ kín quy hoạch phân khu tại các địa phương sẽ giúp đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch, tạo công cụ quản lý quy hoạch và kêu gọi đầu tư hiệu quả, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

Đón đầu xu hướng đầu tư mới, nhiều tập đoàn tên tuổi lớn đã và đang đổ về tỉnh Khánh Hòa tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong đó phải kể đến Vingroup, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Tập đoàn KDI Holdings, liên danh Novaland và Công ty cổ phần đầu tư Đất Tâm, Tập đoàn FPT, Tập đoàn TTC, Công ty VN Holding…

Những cơ chế và chính sách này sẽ là chìa khóa mở ra một trang mới cho sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới. 

Giá bất động sản Nha Trang giảm sâu

Mặc dù thị trường bất động sản Khánh Hòa hiện tại ít giao dịch, chỉ hơn 1.000 giao dịch/tháng do không có nhiều sản phẩm, thị trường đang chững lại vì chính sách kiểm soát tín dụng và động thái tăng cường kiểm tra, kỷ luật cán bộ sai phạm, song ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, Khánh Hòa là một thị trường cực kỳ tiềm năng.

Đặc biệt, với lợi thế về bất động sản du lịch khi Việt Nam trở thành cường quốc của ngành du lịch thì Nha Trang sẽ là điểm trũng đầu tư, là vùng hút có lợi thế mạnh để thu hút du lịch, đưa nhóm khách hạng sang.

Đó là lợi thế của địa phương, hơn nữa giá bất động sản tại Khánh Hòa không hề cao so với các địa phương khác, hiện chỉ đang ở ngưỡng dưới trung bình. Do đó, tiềm năng đầu tư và tăng giá trong thời gian tới là rất lớn.

Từ giờ đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023, thị trường sẽ vẫn thiếu nguồn cung, trong đó là các dự án về nhà ở, đất nền. Đến năm 2023, Khánh Hoà sẽ từng bước sẽ tháo gỡ vướng mắc để thị trường dần lấy lại được niềm tin và lực hút đầu tư để phát triển mạnh mẽ, ông Đính nhận định.

Giải quyết các khó khăn để khơi thông nguồn lực

Bên cạnh thuận lợi từ định hướng quy hoạch, chính sách từ Chính phủ, theo các chuyên gia, để bất động sản Khánh Hoà thực sự phát triển, ba khó khăn hiện tại của thị trường cần sớm được tháo gỡ. 

Thứ nhất là vấn đề về pháp lý. Tại “Diễn đàn Bất động sản Nam Trung Bộ 2022: Điểm sáng đầu tư”, ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, câu chuyện pháp lý đang đè nặng lên bộ máy công chức của tỉnh. 

Theo vị chuyên gia này, vấn đề thực thi chính sách hiện nay có liên quan rất lớn đến yếu tố con người. 

Cơ hội bứt phá của bất động sản Khánh Hoà 1
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản tỉnh Khánh Hòa

Sau những nhiệm kỳ trước, Khánh Hòa hiện vẫn còn bị tồn đọng nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai, dẫn đến hiệu suất làm việc của bộ máy công chức thiếu hiệu quả. Điều này gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các dự án trên thị trường. 

Thứ hai là vấn đề liên quan đến sự phát triển của du lịch. Sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, từ khi du lịch được mở cửa trở lại, bất động sản Khánh Hoà đã có tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ hơn 6 tháng kể từ đầu năm 2022, thời gian vẫn còn quá ngắn để có thể giúp ngành du lịch phục hồi hoàn toàn.

Trong khi đó, sự phát triển chậm lại của ngành du lịch đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung của địa phương và thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng.

Một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường được ông Trần Quốc Trung, Tổng giám đốc Địa ốc Nam Trung Bộ, Đất xanh Services chỉ ra rằng, Khánh Hoà vẫn thiếu các sản phẩm bất động sản cao cấp, hàng hiệu, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Ông Trung cho rằng, đối tượng khách hàng cao cấp càng ngày càng khó tính, cho nên chủ đầu tư cũng cần lựa chọn phát triển các sản phẩm đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, tạo điểm nhấn cho bất động sản khu vực.

Thứ ba là các vấn đề liên quan đến chính sách vĩ mô như kiểm soát tín dụng, trái phiếu, đồng thời, các gói kích cầu, giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng gây ảnh hưởng đến bất động sản, khiến công tác phát triển dự án gặp nhiều khó khăn, cản trở sự phục hồi bền vững của thị trường, ông Hoàng cho hay.

Tin liên quan