Cô học trò nhỏ bình tĩnh cứu nguy cô giáo và bài học quý: Ngựa điên ắt chạy sai đường, người hoảng loạn ắt hỏng đại sự

01

Vài ngày trước, một video đã được công bố trên mạng xã hội khiến ai cũng kinh ngạc, khung cảnh diễn ra tại trong trường dạy khiêu vũ ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Một giáo viên dạy khiêu vũ đang dạy học sinh trong phòng tập thì bất ngờ cô ngã xuống đất bất tỉnh, chân tay co giật. Các học sinh bên cạnh đều bàng hoàng, chỉ biết đứng nhìn cô co giật, riêng một bé gái tên là Zhang Jieyu đã nhanh chóng đứng dậy chạy ra khỏi phòng nhảy để kêu cứu người lớn bên ngoài, nghe thấy tiếng kêu cứu, mọi người vội vàng đưa cô giáo đến bệnh viện để điều trị. Cuối cùng, cô giáo đã qua cơn nguy kịch do được cứu chữa kịp thời.

Cuối cùng ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, họ khen ngợi cô bé này vì sự bình tĩnh của cô bé, chẳng trách một số cư dân mạng kêu gọi: Bình tĩnh mới giải quyết vấn đề.

Daniel Siegel, một chuyên gia nghiên cứu về não bộ của trẻ em cho biết: “Trong tương lai, một đứa trẻ có tài năng xuất chúng không phải là đứa trẻ có điểm cao bao nhiêu hay EQ cao bao nhiêu, mà là trẻ có đủ bình tĩnh và có đủ khả năng phán đoán, đối phó với những tình huống khẩn cấp và có khả năng xử lý vấn đề hay không.” Trẻ có thể bình tĩnh khi gặp khó khăn thì từ đó có thể suy nghĩ thấu đáo hơn. Nếu trẻ hoảng loạn, không những không giải quyết được sự việc, mang ám ảnh tâm lý cho trẻ mà còn có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, việc trau dồi khả năng xử lí những tình huống bất ngờ của trẻ là một khóa học bắt buộc đối với mỗi bậc cha mẹ.

Cô học trò nhỏ bình tĩnh cứu nguy cô giáo và bài học quý: Ngựa điên ắt chạy sai đường, người hoảng loạn ắt hỏng đại sự - Ảnh 1.

02
Trẻ càng bối rối thì càng dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm

Hôm kia, bạn tôi kể với tôi một điều rất đáng sợ. Buổi trưa, khi bạn tôi đang đi siêu thị, bụng bỗng khó chịu nên vào nhà vệ sinh, cô ấy bảo cậu con trai 5 tuổi đứng đợi ở quầy dịch vụ trước siêu thị. Đột nhiên, một người đàn ông mặc vest đen và đeo khẩu trang đến, tự xưng là bạn của bố cháu bé và muốn đưa cháu về công ty của bố do mẹ cháu có việc gấp nên không đón cháu về được. Lúc đó cháu bé hơi sững sờ và không đồng ý.

Tuy nhiên, người đàn ông tức giận và nói rằng cháu mà không đi thì sẽ bị ăn đòn. Cháu bé nghe vậy rất sợ hãi và dường như dao động, định đi cùng người đàn ông. May mắn thay, nhân viên bên cạnh đã tóm lấy cháu bé và liên tục hỏi cháu bé có biết người đàn ông không thì cháu bé nói rằng không biết anh ta. Sau đó, cháu bé bị nhân viên chặn lại và người đàn ông mặc vest tức giận bỏ đi. Đứa trẻ may mắn có nhân viên ở bên cạnh và đã an toàn, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đứa trẻ không có sự giúp đỡ của những người xung quanh?

Có một tin tức đã từng được công bố trên Internet như sau: Có một ngôi nhà của một hộ gia đình bốc cháy và khi đó, có hai cậu bé ở nhà. Cả hai đang ở trên lầu thì hốt hoảng khi thấy nhà mình có khói bốc lên liền chạy ra cầu thang bộ, chưa kịp xuống cầu thang thì khói dày đặc nên hai cháu đã nhảy xuống đất và tử vong.Trên thực tế, chỉ cần bước ra ban công, họ có thể dễ dàng thoát xuống khu vườn ở tầng dưới, nhưng có vẻ do hoảng loạn, hai cháu đã không tìm được giải pháp tối ưu nào ngoài việc tìm chỗ và nhảy xuống đất. Đây là một thảm kịch do hoảng loạn trong đám cháy.

Tôi đã từng nghe một câu ngạn ngữ như sau: Ngựa điên thường dễ chạy sai đường, người hoảng sợ thường dễ gặp rắc rối. Những đứa trẻ lo lắng khi gặp sự việc dễ rơi vào thế bị động. Thói quen này cũng sẽ khiến đứa trẻ ấy trở thành một người không giỏi phân tích và suy nghĩ, dễ nảy sinh những bi kịch và suy nghĩ cực đoan.

Cô học trò nhỏ bình tĩnh cứu nguy cô giáo và bài học quý: Ngựa điên ắt chạy sai đường, người hoảng loạn ắt hỏng đại sự - Ảnh 2.

03
Bình tĩnh và điềm tĩnh là một vũ khí kỳ diệu cho trẻ em

Một đứa trẻ bình tĩnh khi đối mặt với khó khăn là một đứa trẻ biết suy nghĩ và thấu hiểu, đây là trường hợp của một cô bé người Nga. Cô bé 9 tuổi đang trên đường đi học về, thấy bị theo dõi, em không la hét, cũng không bỏ chạy mà đi về phía thang máy. Người đàn ông ở phía sau cũng đi theo, cô bé lại không đi vào thang máy mà đến góc hành lang, tốc độ chậm lại. Người đàn ông thấy lạ, tìm khắp nơi gần thang máy nhưng không tìm thấy cô bé. Kết quả, cô bé đã cắt đuôi kẻ bắt cóc rất ngoạn mục.

Vậy nên: Dũng cảm mù quáng không hẳn là thành công; ngược lại, bình tĩnh suy nghĩ thông thường có thể giải quyết vấn đề tốt hơn.

Không bối rối khi đối mặt với khó khăn và có khả năng giải quyết vấn đề là tấm bùa hộ mệnh đồng hành cùng trẻ trong suốt cuộc đời.

Vậy, làm thế nào để phát triển kỹ năng ứng phó của trẻ?

Cha mẹ hy vọng sẽ nuôi dạy được những đứa trẻ hóm hỉnh, điềm đạm và có thể nghĩ ra những cách giải quyết vấn đề hiệu quả. Vậy nên:

1. Hãy là những bậc cha mẹ hài hòa giữa nhu và cương:

Có một cô con gái quên làm bài vì mải xem TV, cha cô đã yêu cầu cô làm bài tập trước nhưng cô đã nhờ mẹ giúp đỡ. Người cha biết chuyện nhưng không chỉ trích đứa trẻ ngay, mà nhẹ giọng hỏi con gái: “Con làm vậy có đúng không?” Cô con gái trả lời: “Con không đúng.” Sau đó cô bé giận dữ nói: “Mỗi lần cha mẹ cãi nhau, con ủng hộ cha mà”. Người cha nhẹ nhàng nhưng trịnh trọng nói: “Cha không cần con lúc nào cũng ủng hộ cha khi cha mẹ tranh cãi, cha chỉ cần con ủng hộ ai đúng mà thôi”.

Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con cái không nghe lời, họ thường mắng mỏ một cách bừa bãi hoặc phớt lờ con cái. Nhà giáo dục Jane Nielsen từng nói: “Cách tốt nhất để cha mẹ kỷ luật con cái là nhẹ nhàng nhưng kiên quyết”.

Tiến sĩ Laura Markham đã viết trong cuốn “Cha mẹ hòa bình, con cái hạnh phúc” như sau: Không phải tuổi tác giúp trẻ lớn khôn và điềm đạm mà chính là cách cha mẹ dạy con mới giúp chúng trưởng thành. Cha mẹ ổn định về mặt cảm xúc và bình tĩnh khi đối mặt với vấn đề thì con cái cũng sẽ học được cách không hoảng sợ khi đối mặt với vấn đề và giải quyết vấn đề một cách có trật tự.

2. Buông tay một cách thích hợp:

Con trai của người bạn tôi là một đứa trẻ rất ngoan và được điểm cao, nhưng điều đáng chú ý là nó rất lo lắng khi gặp vấn đề.

Một lần, để huấn luyện cậu bé, mẹ anh bảo cậu bé đi mua một ít đồ ăn, khi đến cửa hàng, cậu trở nên căng thẳng và quên hết đồ ăn cần mua, khi về nhà thì bị mẹ chỉ trích nặng nề. Thực ra điều này không thể trách trẻ được, thông thường bạn sợ trẻ làm không tốt, lãng phí nên sẽ làm mọi việc cho trẻ nhưng đó không hay một chút nào, ngược lại sẽ làm chúng lúng túng khi được giao nhiệm vụ vì những việc đó chúng chưa bao giờ tự tay làm. Vì vậy, cha mẹ phải cho con chủ động trải nghiệm cuộc sống, dũng cảm khám phá để con trưởng thành tốt hơn, trẻ cũng có nhiều kinh nghiệm và càng tự tin hơn khi gặp sự việc.

Cuộc đời còn dài, cha mẹ không thể đồng hành cùng con suốt đời, điều chúng ta có thể làm là để con cái cố gắng tích lũy kinh nghiệm sống để thử thách tương lai của mình.

3. Hướng dẫn trẻ học cách suy nghĩ và phán đoán:

Đối với con cái, sự giáo dục của cha mẹ chỉ là nguyên nhân bên ngoài và nó chỉ có thể phát huy tác dụng thông qua nội tâm của đứa trẻ. Vì vậy, để rèn luyện cho trẻ khả năng không hoảng sợ khi gặp vấn đề, chúng ta phải chú ý hướng dẫn trẻ học cách suy nghĩ độc lập.

Việc nuôi dạy những đứa trẻ có khả năng thích nghi là một vấn đề không đơn giản, nó liên quan mật thiết đến tâm lý, kinh nghiệm, kiến ​​thức của một người và phản ánh thói quen tư duy của một người. Muốn trau dồi khả năng thích ứng với những thay đổi của trẻ thì phải học hỏi và rèn luyện nhiều hơn nữa, kiên trì thì chắc chắn trẻ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.


Tịnh Kỳ

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Tin liên quan