Muốn tìm hiểu sâu sắc một người, manh mối quý giá nhất chính là quan sát các thói quen của người đó, tìm hiểu phía sau những thói quen này, ẩn chứa những thông tin quan trọng nào, từ đó có thể đánh giá chính xác mức độ lành mạnh trong tâm lý đối phương.
Theo nhà tư vấn tâm lý Lâm Thúy Phần (Trung Quốc), đứng từ góc độ tâm lý học nhận xét tướng diện, có thể dựa vào những biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ hình thể, phản ứng hành vi, định vị tâm lý mang tính thói quen để đoán biết đối phương có tính cách như thế nào.
Chẳng hạn, người có khuôn mặt vô cảm, ánh mắt chúc xuống, phản ứng lạnh lùng, thì tính cách đa phần đơn điệu, nhàm chán, dễ có “cảm giác bất lực” trong công việc. Những người này cũng không mấy nhiệt tình với cuộc sống.
Ngoài những ấn tượng về ngoại hình, một kiểu tướng mặt hình thành tự nhiên từ các thói quen chính là ngôn ngữ hình thể. Khi một người không có hứng thú đối với sự vật hoặc con người nào đó, cả cơ thể đều ở “trạng thái phòng vệ”:
* Cơ thể và ánh mắt đều sẽ chủ động tránh xa những sự vật ghét bỏ.
* Khoanh tay, chân bắt chéo vểnh lên, để tạo khoảng cách với các vật khác.
* Ngữ khí cũng cực kỳ lạnh nhạt, như thể đang xua đuổi, “Tôi không hứng thú với thứ này, đừng làm lãng phí thời gian của tôi thêm nữa.”
Nếu bạn thường xuyên có “tư thế phòng vệ” theo thói quen đối với người khác, điều này sẽ làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ của bạn, khiến người khác không dám lại gần bạn.
Ngược lại, khi chúng ta có hứng thú với sự vật hoặc con người nào đó, cơ thể sẽ tiến lại khá gần với họ, thông thường bạn sẽ di chuyển cơ thể hoặc sẽ ngồi lên phía trước chiếc ghế hoặc đứng gần đối phương hơn chút. Đồng thời, lời nói cũng cất cao, đầy hào hứng.
Nếu bạn có thói quen thể hiện các thông điệp niềm nở, thân thiết này với người khác, sẽ giúp họ mạnh dạn đến gần bạn hơn. Điều này có lợi cho việc xây dựng các mối quan hệ của bạn.
2 biểu hiện dễ khiến ứng viên mất điểm trong khi phỏng vấn
Quay trở lại với đề tài chính là biểu hiện của ứng viên trong lúc phỏng vấn, có 2 biểu hiện rất dễ khiến chúng ta mất điểm trước các nhà tuyển dụng, đó là ánh mắt dáo dác, thần thái bất an và ánh mắt rụt rè không dám nhìn thẳng vào giám khảo.
Nhà tư vấn tâm lý Lâm Thúy Phần cho biết, một lần bà trao đổi kinh nghiệm phỏng vấn nhân viên với một ông chủ từng trải, đã từng tiếp xúc với những người tìm hiểu tam giáo cửu lưu (ba giáo phái và chín học phái lớn thời Chiến quốc).
Tôi hỏi ông ấy: “Tiêu chuẩn chọn lựa nhân viên là gì?”
Câu trả lời của ông rất ý nghĩa: “Tôi dùng người không có tiêu chuẩn nhất định, nhưng có hai loại người mà tôi chắc chắn không tuyển dụng. Thứ nhất là người không dám nhìn giám khảo, thứ hai là người có ánh mắt dáo dác ngó quanh.”
Theo kinh nghiệm đào tạo nhiều năm của ông, thông thường người không dám nhìn giám khảo, tính cách đa phần nhút nhát, hễ gặp phải áp lực thường từ bỏ, trốn chạy.
Để tránh những chuyện đau đầu trong tương lai, ông dứt khoát lọc bỏ những người có tính cách như vậy.
Thậm chí cả những người ánh mắt dáo dác ngó quanh, có thể thần thái bất an, trong đầu không biết đang nghĩ ngợi những gì? Cũng có thể họ đang có điều gì đó giấu giếm bạn, hoặc đang suy nghĩ trả lời bạn ra sao?
Nhưng dù là trong trường hợp nào, cũng đều khó mà làm cho người khác yên tâm tin tưởng họ, tất nhiên sẽ không dám giao phó trọng trách cho họ.
Đối với người lãnh đạo, những kinh nghiệm trong quá khứ mách bảo họ, những người có hai kiểu ánh mắt như vậy rất có thể sẽ bỏ chạy khi gặp phải áp lực.
Vậy nên họ không lựa chọn những người như vậy trở thành người đồng hành trong công việc.