Chiến lược sai lầm của “thánh dọn dẹp”?

Không những thế, gian hàng lại toàn những đồ phổ thông với giá chót vót. Liệu đây có là một sai lầm của người được mệnh danh là “thánh dọn dẹp”?

Chiến lược sai lầm của “thánh dọn dẹp”? 1

“Thánh dọn dẹp”

Có lẽ nhiều người không còn xa lạ với hình ảnh của một cô gái Nhật Bản trên sách báo, internet hướng dẫn mọi người dọn dẹp nhà cửa. Đó là Marie Kondo, tác giả của một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong những năm gần đây, bản dịch tiếng Việt có tên là “Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống”.

Nhiều gia đình trẻ Việt Nam đã thay đổi hẳn phong các sống của mình sau khi đọc cuốn sách này.

Trong lần tái bản thứ… 55, cuốn sách vẫn bán được hơn 1,5 triệu bản. Cô thậm chí còn được tạp chí Time bình chọn là một trong những người có ảnh hưởng nhất năm 2015. 

Marie thực sự đã mang lại một luồng gió tươi mới cho nhiều gia đình khi truyền cảm hứng cho họ về sự ngăn nắp, cũng như cách để làm chủ cuộc sống và hạnh phúc hơn tại chính căn nhà của mình. 

Tại Việt Nam, cô thường được biết đến với cái tên là “Thánh dọn dẹp”. 

Phương pháp của Marie hướng đến triết lý sống tối giản, với khẩu hiệu cốt lõi là “Ít hơn tức là nhiều hơn”. Thế nên, rất nhiều người đã rất bất ngờ khi biết cô mở ra 1 gian hàng online để bán đồ.

Thoạt tiên, mọi người nghĩ rằng, Marie sẽ bán những món đồ có tính công năng rất cao, một đồ có thể dùng cho nhiều việc cùng lúc để có thể ‘giải tán’ bớt các món đồ còn lại trong nhà, giúp nhà cửa ít đồ hơn.

Thế nhưng, thực tế lại không phải như vậy. Khi vào cửa hàng tại KonMari, người xem có thể dễ dàng bắt gặp gặp những món đồ thông dụng trong gia đình như giá đỡ dụng cụ bằng đồng giá gần 6 triệu đồng, giày đi trong nhà 5 triệu, hay bàn chải tắm hơn 2 triệu. Tức là vẫn chỉ là những món đồ hoàn toàn bình thường, không phải đa công năng, chỉ khác ở chỗ… giá cao ngất ngưởng

Vậy, ai sẽ là người ủng hộ Marie mua những vật phẩm này? Người hâm mộ cô – những gia đình trung lưu từng học theo cô dọn dẹp, hay có người nào khác sẽ mua những vật phẩm “bình thường giá cao cấp” này?

Vấn đề chiến lược kinh doanh

Kondo đã mắc một sai lầm trong kinh doanh. Cô đã xây dựng được một cộng đồng người hâm mộ, một công chúng đi theo của mình. Cô đã có một thương hiệu uy tín của riêng mình. Nhưng thay vì định giá sản phẩm nhắm vào công chúng mà thương hiệu của cô đang có, Kondo lại chọn tạo ra một hướng đi khác hẳn, một phiên bản cửa hàng xa xỉ phẩm. Việc này đã và đang khiến cô rời xa phần lớn những người đang ủng hộ mình.

Thương hiệu của Kondo vốn không nhằm vào khách hàng cao cấp, hay những người có ảnh hưởng mà chính yếu là đại đa số công chúng. Đó chính xác là vấn đề với việc ra mắt sản phẩm này. Bằng cách phục vụ cho 1%, cô ấy đã loại bỏ 99% người hâm mộ thực sự quan trọng.

Mọi chủ doanh nghiệp đều biết, đôi khi phải tiến lên một cách mạnh mẽ, nhưng đôi khi cũng có thể lùi lại một bước. Và với Marie Kondo, sẽ là chưa muộn nếu cô có những quyết định lùi sáng suốt.

Cô đã xây dựng thương hiệu từ việc chỉ dạy cho người khác làm sao để loại bỏ đi sự lộn xộn và tìm thấy niềm vui cuộc sống, và họ thực sự đã làm được. Cô hoàn toàn có thể tiếp tục việc này, và mở rộng ra cho cửa hàng mới của cô, tiếp tục phát đi những thông điệp truyền cảm hứng.

Những người hâm mộ phương thức dọn dẹp và phong cách tối giản thực sự mong Marie có thể phát triển tên tuổi của mình, miễn là cô không tiếp tục mâu thuẫn trong chính triết lý của thương hiệu mình.

Lâm Ngô

Tin liên quan