Năm ấy, tôi một mình lên thành phố mang theo lời dặn của bố: “Nhớ kết bạn nhiều vào nhé con!”.
Vì thế khi vào đại học tôi rất thích giao lưu kết bạn, tham gia cùng lúc cả mấy câu lạc bộ, hoạt động nào cũng thấy tôi có mặt. Tôi rất thích lưu số điện thoại của người khác. Thậm chí có lúc tôi còn khoe đống số điện thoại mình có trong máy như một thứ gì đó rất đáng để tự hào. Tôi đối xử với mọi người rất nhiệt tình, chân thành nhưng không hiểu vì sao lại luôn bị xem nhẹ. Chỉ khi cần ai đó chạy chân, họ mới nhớ ra trong câu lạc bộ có sự tồn tại của tôi. Khoảng thời gian đó, rõ ràng là tôi có mặt trong hầu hết các trường hợp nhưng chưa bao giờ được coi là nòng cốt, mọi người cũng không quá muốn kết bạn với tôi. Sau mỗi hoạt động, người ở lại dọn dẹp lúc nào cũng là tôi.
Hồi đó tôi có quen một giáo viên trong trường. Có lần thầy trực ban một mình nên gọi tôi lên văn phòng trực cùng. Vì còn là học sinh nên tôi cũng vội vã lên ngay. Tôi nghe thầy nói chuyện rất lâu, tuy không có chuyện gì đặc biệt mà chỉ vài ba câu xã giao. Thầy khoe với tôi thầy phụ trách quản lý hồ sơ của trường. Tôi chăm chú lắng nghe, trước khi về còn xin số điện thoại của thầy, còn biếu thầy hai túi hoa quả mang theo. Sau này, tôi có chuyện cần viết thư giới thiệu. Vì không biết có thể lên mạng tải bản mẫu về, nên tôi lơ ngơ gửi tin nhắn nhờ thầy giúp, thầy lạnh lùng trả lời: “Tôi không rảnh.”
Thực ra tôi cũng quen với việc bị từ chối như vậy nhiều rồi. Bạn nghĩ bạn lưu số điện thoại của đối phương nghĩa là sau này hai người có thể giúp đỡ lẫn nhau, nhưng bạn đã quên một điều rất quan trọng , đó là: Chỉ khi mối quan hệ bình đẳng, người ta mới có thể giúp đỡ nhau.
Câu chuyện kể trên vẫn chưa kết thúc. Vài năm sau, khi đã trở thành một giáo viên tiếng Anh, tôi nhận được một cú điện thoại vào lúc nửa đêm. Người gọi đến chính là vị thầy giáo năm xưa. Thầy cười cười trò chuyện với tôi vài ba câu đã vào ngay chủ đề chính, hóa ra thầy muốn nhờ tôi giới thiệu cho thầy một giáo viên tiếng Anh đáng tin cậy một chút, làm gia sư dạy cho con trai thầy.
Khoảng thời gian đó ngày nào tôi cũng phải lên lớp, ban ngày thì mệt thở không ra hơi, khuya đến vẫn bận hoa mắt chóng mặt, rồi lại thêm quá khứ không mấy tốt đẹp ngày xưa nên tôi trả lời qua loa: “Để hôm nào em xem giúp thầy nhé”, sau đó cúp điện thoại. Tất nhiên, tôi đã không giúp gì cho thầy hết.
Sau này khi nghĩ đến chuyện này, tôi thường đặt câu hỏi vì sao tôi lại không giúp thầy, hay nói cách khác, vì sao ngày trước thầy không chịu giúp tôi?
Câu trả lời rất đơn giản, ngoài tình cảm hai bên dành cho nhau, điều kiện cơ bản khiến một người giúp đỡ bạn đó là bạn phải báo đáp lại họ được bằng một điều có giá trị tương đương. Nghĩ kĩ lại, ngày xưa tôi còn là học sinh, tôi không thể báo đáp thầy ở mức độ ngang bằng; còn sau này tôi không cần nhờ đến chuyên môn của thầy nên thầy cũng không thể trả ơn “đồng giá”. Hơn nữa, nền tảng tình cảm của chúng tôi cơ bản là một con số 0 tròn trĩnh.
Hiện thực rất phũ phàng, nhưng đây chính là hiện thực. Chúng ta thích giao lưu kết bạn mà không biết rằng rất nhiều mối quan hệ nếu chỉ ở mức xã giao thì không có tác dụng gì hết. Ví dụ như lưu số điện thoại người ta, tới lúc cần giúp đỡ thì coi như bạn phí công gọi một cú điện thoại mà thôi.
Vì ở thời điểm đó, chúng ta chưa đủ xuất sắc. Tàn nhẫn vậy đấy nhưng nào có ai thực lòng muốn trợ giúp một người không xuất sắc đâu.
Có người bạn từng hỏi tôi rằng: “Tớ có rất nhiều mối quan hệ xã hội, bạn bè cũng không ít, vậy tại sao tớ càng ngày càng cảm thấy cô đơn? Đến tận hôm nay, có nhiều chuyện tớ vẫn phải tự làm vì chẳng có ai giúp đỡ hết, tớ buồn lắm.”
Tôi hỏi cô ấy: “Những lúc nói chuyện xã giao, chẳng hạn giới thiệu đến tớ, cậu sẽ nói như thế nào?”
Cô ấy đáp: “Ừ thì đây là Long, bạn tôi.”
Tôi lại hỏi: “Thế bình thường người ta hay giới thiệu mấy người giỏi giỏi thế nào?”
Cô ấy đáp: “À, thì chắc đây là tác giả/ MC/ đạo diễn/ giáo sư… gì gì đó.”
Tôi cười: “Thế nên cậu hiểu chưa? Nếu cậu không xuất sắc, những mối quan hệ xã hội của cậu thực chất chẳng có nghĩa lý gì hết. Chỉ có những sự trao đổi bình đẳng mới có thể đổi lại bằng sự giúp đỡ hợp lý. Thế nên, khi cậu chưa đủ giỏi, chưa đủ ưu tú, đừng tốn thời gian cho các cuộc xã giao, hãy dùng thời gian ấy để học tập, nâng cao kỹ năng. Ai trong chúng ta cũng từng có mặt trong một buổi tụ họp rồi phát hiện ra bản thân chẳng biết nói gì, thậm chí cũng chẳng biết nên làm gì vì chúng ta không thuộc về tập thể đó.”
Hãy nhớ rằng, chỉ có những người tài giỏi, mới có thể có được những mối quan hệ xã hội có ích.
Một người bạn làm nhà văn của tôi từng kể cho tôi nghe, trước khi cậu ấy nổi tiếng, có vài ba đầu sách xuất bản, cậu ấy từng gửi bản thảo đến một nhà xuất bản rất lớn thế nhưng năm lần bảy lượt gửi đi vẫn không có động tĩnh gì. Một năm sau, sách của cậu ấy thành hàng “best seller”, tổng biên tập của nhà xuất bản này đã tự mình tìm đến cậu ấy để đề nghị viết bản thảo. Quan hệ của cậu ấy và vị tổng biên tập kia đến giờ vẫn rất tốt, bởi vì một người cần bán sách còn một người cần sách chất lượng. Có người cảm thán về mối quan hệ đặc biệt này, cậu ấy chỉ nói một câu: “Trao đổi đồng giá mới có tình bạn đồng giá.”
Đừng nghĩ rằng thế giới quá khắc nghiệt, đây chỉ là quy tắc của trò chơi mà thôi.
Đừng đau buồn vì thế giới này lạnh tanh như sắt thép, tất cả đều có lý do của nó.
Năm đầu tiên tôi Nam tiến lập nghiệp, chẳng có gì trong tay nhưng tuần nào cũng có một đứa bạn đến thăm, đưa tôi đi ăn. Nó là bạn thân nhất của tôi.
Nó từng nói, dù mày là ai thì mày vẫn là anh em của tao. Sau này tôi cũng có chút tiếng tăm nhưng gặp nó, nó vẫn nói y câu cũ, đừng có nghĩ mày là ai, mày chỉ là anh em của tao thôi. Những kiểu người như bạn tốt, được gọi là bạn thật, nó không thích hợp với quá nhiều quy tắc gò ép. Bất kể lúc nào nó cũng bằng lòng giúp bạn, dù bạn nghèo khổ hay yếu đuối, bởi vì hai bạn đã từng cùng nhau trải qua nhiều chuyện nên mọi chuyện có thế nào thì hai bạn vẫn sẽ bên nhau. Sự giúp đỡ hai bạn dành cho nhau không cần sự báo đáp đồng giá, chỉ cần tình cảm trao đi là ngang bằng, vậy là đủ. Kiểu người như vậy không cần nhiều, trong thế giới phù phiếm này, có đôi ba người cũng đủ rồi.
Thế nên, hãy từ bỏ bớt những mối quan hệ xã giao vô dụng kia đi, tập trung cải thiện, phát triển chính mình mới là cách giúp cuộc đời bạn thêm tốt đẹp. Và cũng đừng quên tình bạn thực sự vẫn tồn tại, ít nhất là ở sâu trong nội tâm bạn, hãy dốc sức để bảo vệ lấy nó.
Lý Thượng Long
Lý Thượng Long sinh năm 1990, quê tại Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương (Trung Quốc). Anh là nhà văn, biên kịch nổi tiếng ở Trung Quốc với những tác phẩm về thanh niên. Bài viết trên được trích từ cuốn sách “Gọi là ổn định, thật ra là hoài phí cuộc sống” xuất bản năm 2016 của anh.