Chết kẹt ở Cocobay Đà Nẵng: Nhận không được, trả không xong!

Ngày 10/5/2020, trao đổi với Đất Việt, luật sư Trần Hồng Sơn – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, các khách hàng đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng do Công ty Thành Đô làm chủ đầu tư đang nằm ở thế kẹt khi mà ở cũng chẳng được, đi cũng chẳng xong.

Trước đó, nhiều khách hàng đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng đã kéo đến hội sở ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đòi làm rõ trách nhiệm trong việc bảo lãnh tiến độ dự án.

Theo thông tin từ phía Công ty Thành Đô cung cấp, iện có gần 200 khách hàng chọn giải pháp nhận tài sản là căn hộ tại dự án Cocobay Đà Nẵng.

Còn lại hơn 300 khách hàng chọn giải pháp đồng hành tiếp với chủ đầu tư. Gần 1.000 khách hàng chọn thanh lý hợp đồng mua bán và nhận lại tiền.

Chet ket o Cocobay Da Nang: Nhan khong duoc, tra khong xong!
Chủ đầu tư phải thoả thuận cụ thể với khách hàng tại những toà đang xây dựng để làm cơ sở lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh, gửi Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng có ý kiến trước khi làm hồ sơ xin chuyển đổi condotel thành chung cư.

Khoảng 400 khách hàng vẫn chưa chọn giải pháp nào trong số giải pháp mà chủ đầu tư đã đưa ra trước đó. Số khách hàng này yêu cầu có cam kết lộ trình hoàn thiện căn hộ của chủ đầu tư và bảo lãnh bàn giao nhà của SHB.

Trong đó, đáng chú ý, ông Mai Huy Tân – người sáng lập xúc xích Đức Việt đã bỏ ra 600 tỷ đồng mua 42 sản phẩm tại Cocobay Đà Nẵng. Hiện ông Tân đang muốn nhận 42 sản phẩm này để tự quản lý, kinh doanh.

“Chủ đầu tư đã đưa ra 4 giải pháp để khách hàng chọn. Ông Thành (tức ông Nguyễn Đức Thành – Chủ tịch Công ty Thành Đô) gợi ý tôi có thể thanh lý lại cho công ty, ông Thành sẽ trả lại giá gốc toàn bộ 42 bất động sản giá 600 tỷ đồng. Nhưng ông Thành không đưa ra phương án rõ ràng về việc sẽ chi trả như thế nào nên tôi quyết định chọn nhận lại tài sản để tự kinh doanh”, ông Tân chia sẻ.

Tuy nhiên, luật sư Sơn cho biết, việc chuyển đổi đất thương mại, dịch vụ sang đất ở tại dự án Cocobay Đà Nẵng đã được thực hiện mà chủ sở hữu căn hộ lại muốn kinh doanh tại đó là điều khó có thể thực hiện được.

“Hiện nay chưa có quy định rõ ràng về đất xây dựng chung cư là đất thổ cư hay đất thương mại dịch vụ. Chính vì thế mà có sự nhập nhèm dẫn tới việc chuyển đổi giữa chừng như ở Cocobay Đà Nẵng.

Về thẩm quyền thì Đà Nẵng hoàn toàn có quyền điều chỉnh quy hoạch đất, cấp dự án chung cư cho doanh nghiệp xây dựng nhưng phải có ý kiến của đại diện Bộ Xây dựng trước khi quyết định. Chính vì thế, cần đặt ra câu hỏi có sự ưu ái của Đà Nẵng dành cho Cocobay Đà Nẵng hay không?” – ông Sơn đặt câu hỏi.

Theo ông Sơn, việc chuyển đổi condotel thành chung cư là giải pháp cho các dự án căn hộ khách sạn trong bối cảnh pháp lý chưa hoàn thiện, đó có thể là thế gỡ cho các chủ đầu tư dự án nhưng lại đẩy khó khăn cho chính những người bỏ tiền ra mua nhà.

“Người mua ban đầu dựa vào cam kết lợi nhuận mà chủ đầu tư đưa ra nhưng đến nay lợi nhuận không còn, kể cả khi đó là căn hộ chung cư thì đó sẽ là đất ở. Anh sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, lưu trú là hoàn toàn vi phạm. Chính vì thế bản thân căn hộ đó không thể sinh lời dù có quản lý tốt như thế nào đi nữa” – ông Sơn nói.

Theo vị luật sư này, việc chuyển đổi condotel thành chung cư ít nhất đã làm thay đổi nội dung hợp đồng mà chủ đầu tư đã ký với khách hàng, mà lỗi ở đây không thuộc về khách hàng của Cocobay Đà Nẵng vì chủ đầu tư không lấy ý kiến của khách hàng trước khi thực hiện chuyển đổi.

“Vì thế, trong trường hợp các phương án chủ đầu tư đưa ra mà khách hàng không chấp nhận, họ kiên quyết muốn nhận lại tiền thì chủ đầu tư phải thực hiện. Quan trọng nhất vẫn là phương án chi trả của chủ đầu tư như nào, số tiền khách hàng đã nộp vào hiện đang ở đâu, sử dụng vào việc gì là điều cần phải làm rõ” – ông Sơn bày tỏ.

Tiến Hưng

Tin liên quan