“Chậm chân” số hóa bất động sản

 

“Chậm chân” số hóa bất động sản 1

 

Đường còn dài và nhiều “chông gai”

Mới đây, tại Diễn đàn về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong ngành BĐS hậu COVID-19, ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất Xanh Miền Bắc đã đưa ra quan điểm khá thẳng thắn khi cho rằng công nghệ cho BĐS mới chỉ ở giai đoạn đầu và có thể nói là mới chỉ mới ở giai đoạn 1.0.

Nhận định trên tưởng chừng quá “tiêu cực” khi thời gian qua đã chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp BĐS áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án và thậm chí là bán nhà qua mạng. Tuy nhiên trên thực tế, nhận định đó cũng là một “lời thật khó nghe” để các doanh nghiệp BĐS thực sự nhìn nhận lại xem mình đang ở đâu trên “chuyến tàu số hóa” đã chuyển bánh từ lâu.

Lý giải cho nhận định thẳng thắn trên, ông Vũ Cương Quyết chia sẻ doanh nghiệp của ông đã có 16 năm kinh nghiệm phát triển, nhưng mới chuyển đổi số trong 5 năm nay. “Việc chuyển đổi số đối với lĩnh vực BĐS rất khó khăn. Chúng tôi ấp ủ, mong muốn ứng dụng công nghệ từ rất lâu, nhưng đến năm 2015 mới có thể khởi động dự án công nghệ. Số hóa các vấn đề quản trị doanh nghiệp cũng cực kỳ vất vả”, ông Quyết cho biết.

Về mức độ số hóa của các doanh nghiệp BĐS hiện nay, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Giám đốc Vicoreal, đồng Chủ tịch RealTech Việt Nam, cho rằng đa phần các doanh nghiệp BĐS hiện nay mới chuyển đổi số một phần rất nhỏ. Mức độ thâm nhập của các công nghệ số vào doanh nghiệp chỉ ở mức khoảng 37%, và số lượng dự án chuyển đổi số thất bại hoặc bị huỷ bỏ rất phổ biến.

Sở dĩ các các doanh nghiệp BĐS có những bước đi chậm trong số hóa, theo bà Hòa, do sự thiếu nền tảng, thiếu sự thấu hiểu giữa các chủ đầu tư BĐS và đơn vị công nghệ.

Ra mắt Virtual House - sản phẩm căn hộ ảo do CO-WELL phát triển sử dụng công nghệ thực tế ảo.

Ra mắt Virtual House – sản phẩm căn hộ ảo do CO-WELL phát triển sử dụng công nghệ thực tế ảo.

Tận dụng cơ hội từ dịch họa

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chính sự giãn cách xã hội mà dịch bệnh tạo ra đã làm thay đổi cách mà mọi thứ vận hành bình thường để xác lập, thúc đẩy những chuẩn mực mới cho nền kinh tế và công nghệ được xem là “phao cứu sinh”.

Các doanh nghiệp BĐS nhanh nhạy, đã không chấp nhận “chết chìm” cùng dịch bệnh, mà đã tăng cường số hóa hoạt động BĐS vốn trước nay ưu tiên “sờ tận tay, nhìn tận mắt”, qua đó cũng mở ra một cơ hội thổi bùng làn sóng số hóa lĩnh vực BĐS mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Nhìn nhận về cơ hội xuất phát từ hoàn cảnh có phần “éo le” này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), cho rằng từ đầu năm 2020 đến nay lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Nhiều sàn giao dịch phải tạm ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp BĐS rơi vào trạng thái rất khó khăn. Thế nhưng, các chủ đầu tư đã liên tục đưa công nghệ, thiết bị mới vào các dự án BĐS như công trình xanh, hệ thống vận hành 4.0, hay lớn hơn nữa chính là Smart City. Nhờ vậy, khách hàng có thể yên tâm nhờ sự tiện lợi và minh bạch thông tin dự án mà mình đang quan tâm, thông qua ứng dụng công nghệ 4.0.

Đồng quan điểm, bà Phạm Ngọc Mai Anh, CEO ADT Group, cho biết hiện các doanh nghiệp BĐS đã có những bước tiến rất nhanh trong việc chuyển đổi số. Chẳng hạn như một dự án tại Phú Quốc của tập đoàn Vingroup từ khi còn nằm trên giấy đã được số hóa cả dự án thành một sa bàn ảo đến từng căn hộ lên điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử. Qua đó, khách hàng có thể theo dõi từng chi tiết của dự án, quan sát hướng của các căn hộ.

Giờ đây, việc xem nhà qua mạng, tư vấn bán BĐS online, hay thậm chí là đầu tư mua chung BĐS qua App đã không còn là chuyện quá xa lạ. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy việc số hóa này mới bắt đầu ở giai đoạn sơ khởi, bên cạnh việc bản thân các doanh nghiệp BĐS chưa mặn mà thì chính các khách hàng cũng chưa hoàn toàn tin tưởng.

LÊ SÁNG

Tin liên quan