Vào mùa mưa, giông lốc và gió mạnh có thể khiến hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố ở các đô thị lớn bị bật gốc, gãy cành, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân. Sự việc đáng tiếc gần đây nhất tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) sáng 26/5 khiến một em học sinh lớp 6 tử vong, vẫn chưa thôi bàng hoàng và đau xót.
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện sự cố liên quan tới cây xanh trong khuôn viên trường học hay trên hè phố. Nhiều năm trở lại, hàng loạt vụ tai nạn thương tâm xảy ra như một “hồi chuông” báo động về thực trạng cây xanh bật gốc ngã đổ, đe doạ tính mạng con người.
Liên tiếp những vụ tai nạn thương tâm do cây xanh bật gốc, đổ gãy
Trong ngày 28/5, liên tiếp 2 cây phượng tại TPHCM và Đắk Lắk bị bật gốc, chỉ 2 ngày sau vụ việc thương tâm tại THCS Bạch Đằng.
Cụ thể, vào sáng sớm, một cây phượng có đường kính gốc khoảng 1m, chiều cao hơn 10m, tán cây rất rộng ở trong sân trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã bất ngờ ngã đổ. Thời điểm đó chưa có học sinh đến lớp nên không có thiệt hại về người.
Vào khoảng 15h, trên đường 297, quận 9, TP. HCM (bên hông trường ĐH Văn Hoá), trời mưa và gió lớn, cây phượng trên vỉa hè bật gốc ngã xuống đường, đè trúng một xe tải. Nhiều người đi qua con đường này hoảng hồn, may mắn dừng lại kịp nên không có thương vong.
Cây phượng bất ngờ bật gốc chiều 28/5 tại TPHCM. Sáng sớm cùng ngày, một cây phượng khác cũng đổ gục trong sân trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Trong trận mưa lớn chiều 3/3/2020 tại tòa CT16 khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, một gốc cây xà cừ cổ thụ bị gió mưa “quật ngã”, đè trúng một chiếc ô tô 4 chỗ đang đỗ trên vỉa hè, hư hỏng hoàn toàn. Rất may, thời điểm xảy ra vụ việc tài xế không có trong xe.
Ngày 29/8/2019, Hà Nội xuất hiện trận mưa giông lớn, gió giật mạnh, kéo dài chỉ 30 phút nhưng khiến nhiều cây xanh trên địa bàn bật gốc. Một nam thanh niên 26 tuổi, điều khiển xe máy lưu thông trên đường ven Hồ Tây, không may bị cây si lớn đè trúng, tử vong tại chỗ.
Gốc xà cừ “đè bẹp” xe ô tô 4 chỗ, rất may thời điểm đó tài xế không có trong xe. Ảnh: Ngọc Thắng.
Cùng lúc đó, trên phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), một cây đại thụ có tán rộng hàng chục mét bị bật gốc, đổ chắn ngang đường, đè vào 2 cửa hàng quần áo bên cạnh. Sự việc diễn ra vào giờ tan tầm khiến giao thông qua khu vực ùn tắc.
Người dân cùng lực lượng chức năng đã phải nhanh chóng xử lý hiện trường, cố gắng di chuyển cột điện và cành cây để không ảnh hưởng tới các phương tiện qua lại. Được biết, trong cơn giông ngày hôm đó, Hà Nội có hơn 50 cây đổ gãy.
Nam thanh niên 26 tuổi tử vong tại chỗ sau khi bị một cây cổ thụ đè trúng. Ảnh: Facebook.
Nên khai tử những cây xanh “tử thần”
TS Nguyễn Nguyên Cương – Giám đốc Trung tâm Giáo dục, Truyền thông và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho hay, sự việc cây đổ làm một học sinh tử vong ở TP. HCM là chuyện rất đáng buồn và xót xa.
Theo ông, cây xanh cực kỳ quan trọng đối với các thành phố lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Hiện nay, tỷ lệ cây xanh tại nước ta chỉ đạt 7 – 8 %, rất thấp so với nhiều nước khác. Việc các thành phố lớn trồng cây xanh, cây cổ thụ là bắt buộc, tuy nhiên trồng và chăm sóc như thế nào để vừa đẹp, vừa an toàn là câu chuyện không dễ dàng. Quan trọng nhất là phải quy hoạch lại cây xanh trong thành phố một cách bài bản.
Thời gian qua ở Hà Nội có nhiều vụ cây xanh bật gốc đè chết người, trúng ô tô khiến người đi đường lo lắng xảy ra khá nhiều. Trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội, không khó để tìm thấy những cây xanh lâu năm, mọc nghiêng hẳn ra lòng đường, gốc trồi lên trên, khiến người dân không khỏi lo lắng.
Hiện nay, nhiều cây xanh đã mục gốc, bật rễ, tiềm ẩn nguy cơ ngã đổ rất cao. Ảnh: Minh Nhân.
“Cây xanh bị gãy, đổ thường là cây bị sâu mục gốc, thân, cành; cây nặng tán lâu năm không được cắt sửa. Đặc biệt, nhiều trường hợp khó phát hiện bằng cảm quan, như cây bị xâm hại, chặt rễ hay nơi mực nước ngầm thấp, không gian sống của rễ hạn chế, rễ cây không phát triển được…
Điều đó lý giải vì sao có những cây nhìn bề ngoài xanh tốt mà vẫn bị đổ dù không có gió lớn. Khi mưa quá nhiều sẽ khiến kết cấu đất thay đổi, chỉ cần một đợt gió bão lớn là cây có khả năng bật gốc cao. Việc đảm bảo an toàn cho người đi đường là trách nhiệm của công ty công viên cây xanh Hà Nội”, ông Cương nói.
GS.TS Lê Đình Khả – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.
GS.TS Lê Đình Khả – Nguyên Viện trưởng Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, trồng cây xanh tỏa bóng mát cho thành phố là cần thiết. Tuy nhiên cần phải trồng những loại cây tán rộng, kích thước không quá cao.
“Hiện nay, trên nhiều tuyến phố hoặc một số trường học có những cây xanh đã mục gốc, bật rễ nguy cơ ngã đổ rất cao. Chính vì vậy cần phải cắt tỉa, hoặc cắt bỏ những loại cây này để đảm bảo an toàn. Việc tiến hành rà soát, đánh giá cần phải thực hiện liên tục để kịp thời loại bỏ những cây tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ cao”, ông Khả nói.