Câu chuyện về Pagpag – “đặc sản” từ bãi rác đến bàn ăn của những người sống dưới đáy xã hội ở Philippines

Vào một ngày đẹp trời bên ngoài một nhà hàng gà rán ở thủ đô Manila-Philippines, cô Felipa Fabon đang bới móc những đống rác ngập mùi hôi của chất thải. Dù không thể bước vào nhà hàng mua một bữa ăn tử tế nhưng cô Fabon vẫn có thể kiếm “thức ăn” qua những đống rác của nhà hàng.

Bạn nghe không có nhầm đâu, câu chuyện của cô Fabon diễn ra ngay tại thủ đô Manila của Philippines chứ không phải ở Venezuela, Châu Phi hay bất kỳ khu vực chiến tranh hoặc đói khổ nào khác.

“Tôi đang tìm ‘pagpag’ trong đống rác”, cô Fabon cười nói.

Đối với những người địa phương, từ “PagPag” chẳng có gì xa lạ khi chỉ những đám bụi bẩn mà bạn cần rũ bỏ khỏi quần áo, nhưng với những người nghèo như cô Fabon thì nó là tiếng lóng chỉ những thức ăn thừa trong bãi rác còn có thể sử dụng được.

Cô Felipa Fabon bới PagPag trong bãi rác tại Manila

Trên thực tế, những người nghèo khu ổ chuột tại Philippines từ lâu đã tiêu thụ PagPag, hay còn gọi là “cơm thừa canh cặn” mà tầng lớp trung thượng lưu vứt ra ngoài bãi rác. Khó khăn về cuộc sống khiến những người nghèo chả đủ tiền để mua thực phẩm tử tế và PagPag là lựa chọn thích hợp nhất cho họ.

Tồi tệ hơn, những người như chị Fabon không thể bới rác kiếm ăn bình thường ngoài nhà hàng gà rán ở thủ đô Manila hoa lệ được. Cô phải trả hơn 1 USD cho đầu nậu buôn rác trong khu vực để có quyền bới rác kiếm thức ăn cho 1 đêm.

Trong ánh đèn mờ ảo của thủ đô Manila, cô Fabon móc nửa miếng thịt gà đã bị cắn dở lên một cách đầy từ hào và nói: “Đây là một miếng thịt còn ăn được. Chúng tôi chỉ cần rửa sạch nó, để vào túi nhựa và bán nó vào sáng hôm sau. Nó rất dễ bán bởi giá quá rẻ và những người hàng xóm quanh khu tôi chỉ muốn những thứ rẻ như vậy mà thôi. Miếng thịt gà này có quá nhiều xương nên nó chỉ đáng 20 Peso (0,5 USD) một túi.”

Sau 6 tiếng kể từ khi móc được miếng thịt gà đầu tiên, cô Fabon bắt đầu phân loại thực phẩm mà mình kiếm được. Ví dụ như miếng thịt gà như đã nói, cô Fabon sẽ phải cắt những phần thịt bốc mùi thối mà không thể ăn được nữa ra và bán phần thịt còn lại. Thông thường 1 miếng thịt gà được chia thành khoảng 5 túi như vậy sẽ bán hết veo trong vòng chưa đầy 1 phút.

Sáng hôm sau, khách hàng đầu tiên của cô là Morena Sumanda, một bà mẹ trẻ 27 tuổi với 2 đứa con sống trong khu ổ chuột. Cô Sumanda chỉ có 20 Peso trong túi khi chồng mình đi làm về đưa hồi chiều hôm trước. Đó cũng là tất cả thu nhập cho 1 ngày lao động của anh ấy.

Đứa con trai bé tên Nino của cô Sumanda háo hức khi cô bắt đầu nấu miếng thịt gà mới mua được.

“Tôi biết đôi khi chúng được bới lên từ bãi rác”, cô Sumanda vừa nói vừa đưa miếng cánh gà cho con ăn.

Những người dân như cô Sumanda biết thực phẩm mà họ ăn đôi khi đến từ những bãi rác, nhưng họ chẳng có lựa chọn nào khác.

Câu chuyện biến cơm thừa canh cặn trong thùng rác thành món ăn không thể thiếu của dân nghèo Philippines - Ảnh 2.

Một bát thịt PagPag, bạn thấy nó có khác thức ăn thường ở điểm nào không?

“Thật là vô nhân đạo khi những người nghèo phải ăn đồ thừa của người khác, nhưng đó là cách duy nhất để tầng lớp tận cùng xã hội sống sót”, Chuyên gia xã hội Melissa Alipalo và là thành viên của Quỹ cộng đồng Philippines (PCF) nói.

Quỹ PCF lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như dịch bệnh khi người nghèo phải tiêu thụ PagPag, nhưng họ cũng hiểu rằng tầng lớp sống trong khu ổ chuột chẳng có lựa chọn nào khác.

Chuyên gia “cơm thừa canh cặn”

Mỗi sáng sớm, khu Payatas, phía Bắc thủ đô Manila lại nhộn nhịp khi những người bới rác chất đồ họ kiếm được lên xe để bán cho đầu nậu. Dưới cái nóng 30 độ C, những người bới rác vẫn cần cù làm việc bất chấp mùi hôi thối và sự phân hủy của rác thải.

Ông Joe Bolon, chủ của bãi rác mua 6 Peso cho mỗi kg rác thải và bán lại 18 Peso cho nhà tài chế. Tất nhiên, những gói PagPag sẽ phải được bán với giá khác bởi chúng là mặt hàng thực phẩm khan hiếm cũng như khó để lâu.

Trong nhà kho của ông Bolon, những đống rác chất thành từng núi và được các công nhân phân loại. Ở một góc, một người đàn ông chặt vỏ dưa hấu thành những miếng nhỏ làm thức ăn cho lợn với giá 150 Peso (3 USD) mỗi bịch. Tại góc khác, thịt gà và lợn còn ăn được bị rửa sạch, nấu lại và bán cho dân khu ổ chuột. Đối với những người nghèo khu Payatas, ăn PagPag là chuyện quá bình thường.

Trong số những người bới rác cho ông Bolon, cô Myrna Salazar là người phụ nữ duy nhất. Cô Salazar đã 40 tuổi, bới rác được 20 năm và có đầy đủ kinh nghiệm để biết miếng thịt nào còn ăn được và miếng nào không.

PagPag là món ăn thông thường của người nghèo ở Phillipines

“Nếu miếng thịt mềm như thế này thì không thể ăn được, nhưng nếu còn cứng như vậy thì vẫn có thể làm PagPag”, cô Salazar vừa bấm miếng thịt mình kiếm được và nói.

Chính bản thân những người như cô Salazar cũng ăn PagPag cùng gia đình và họ chẳng quan tâm mấy đến vấn đề sức khỏe.

“Nếu bạn có hệ thống miễn dịch tốt, bạn sẽ chẳng mấy khi bị bệnh. Chúng tôi chẳng cần tốn tiền để mua thực phẩm ngoài chợ. Chúng tôi có thể kiếm gạo, dầu ăn và thậm chí là xì dầu ngoài bãi rác một cách miễn phí”, cô Salazar trần tình.

Gia đình cô Salazar có 4 đứa con và cả 2 vợ chồng đều bới rác cho ông chủ Bolon. Cặp vợ chồng kiếm được khoảng 1.000 Peso (20 USD)/ngày tùy thuộc vào lượng rác họ bới được. Bởi vậy gia đình đôi khi có thể ăn PagPag miễn phí mà không phải mua ngoài cửa hàng.

Trong khi đó, chuyên gia Cristopher Sabal của Hội đồng chống đói nghèo quốc gia Philippines(NAPC) lại vô cùng lo lắng về tác hại của PagPag.

“Bạn chẳng thể thấy những vi khuẩn bằng mắt thưởng, cũng như chẳng thể biết thực phẩm bẩn đến như thế nào. PagPag không hề tốt cho sức khỏe và có tác hại xấu đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Thêm nữa, chúng có thể mang những mầm bệnh nguy hiểm như viêm gan A, thương hàn, dịch tả…”, anh Sabal nói.

Tại Philippines, công cuộc chống đói nghèo đang diễn ra vô cùng khó khăn. Tỷ lệ đói nghèo toàn quốc chỉ giảm nhẹ từ 27% năm 2015 xuống 21% năm 2018. Số liệu của NAPC cho thấy 2,4 triệu gia đình tại nước này vẫn phải sống trong tình trạng đói ăn năm 2018 và PagPag đã trở thành một phần thiết yếu của nền kinh tế Philippines.

“Mọi người ăn PagPag đã quá lâu và nó đã thấm vào máu, khiến tư tưởng của người dân nghèo giờ đây nghĩ rằng ăn PagPag là bình thường. Nếu không có sự can thiệp mạnh tay hơn của chính phủ, mọi thứ sẽ chẳng thay đổi”, anh Sabal thừa nhận.

Quay trở lại câu chuyện của chị Salazar, kết thúc mỗi ngày làm việc chị lại mang một ít PagPag mình kiếm được ra chợ bán. Mỗi túi PagPag đủ cho 4-5 người ăn được chị bán với giá 30 Peso. Khách hàng quen của chị Salazar là bà Susana Abrera đã 60 tuổi.

Bà Abrera mua PagPag cho chồng và 2 đứa cháu nhỏ trong gia đình.

“Tôi rửa chúng 3 lần với nước rồi xào lên với sa tế cho hết mùi. Thế rồi tôi cho thêm nhiều nước để giấu bớt vị thiu. Nếu ăn mà cảm thấy miếng thịt chua chúng tôi sẽ vứt cho chó hoặc bón lợn. Nếu chúng tôi bị đau bụng hay ốm vì thức ăn, chúng tôi sẽ đến trung tâm y tế công để khám. Phần lớn bác sĩ đều bảo chúng tôi có bệnh về gan và khuyên nên ăn uống cẩn thận.”, bà Abrera cười nói.

Thông thường bà Abrera nấu 4 bữa PagPag mỗi tuần, còn lại họ sẽ phải ăn cá khô với rau, dù rau xanh còn đắt hơn cả PagPag khi bán ngoài chợ. Bé Mariana, một trong những người cháu của bà Abrera, dù đã 10 tuổi nhưng nhìn ốm nhom như 7 tuổi vậy.

“Cuộc sống ở đây rất khó khăn…Tôi muốn các cháu mình có một cuộc sống tốt đẹp ở nước ngoài hơn là Philippines. Tôi thường dặn chúng phải học tập thật giỏi để sau này không còn phải ăn PagPag”, bà Abrera rưng rưng nói.


AB

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Tin liên quan