Sau rất nhiều thập kỷ đưa vào sử dụng, hiện tuyến Quốc lộ 19 đã rơi vào tình trạng xuống cấp, chật hẹp, không còn đáp ứng được yêu cầu vận tải kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng Duyên hải miền Trung. Chính vì vậy, đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và Bình Định đã ký tờ trình chung gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét cho xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. Nếu được xây dựng, tuyến cao tốc này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải cho Quốc lộ 19, tăng khả năng kết nối giữa Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.
Đề nghị triển khai dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku
Quốc lộ 19 có tổng chiều dài 240 km ( trong đó Gia Lai 169,5 km, Bình Định 70,5 km) với điểm đầu là Cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), điểm cuối là Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai). Đây là con đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng Duyên hải miền Trung. Dù được nâng cấp, sửa chữa nhiều lần, song tuyến Quốc lộ 19, nhất là đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn chưa thể đáp ứng được sự kỳ vọng. Đặc biệt, đoạn từ chân đèo Mang Yang đến đèo An Khê đã xuống cấp, ảnh hưởng lớn tới việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân.
Anh Trần Trọng Ngọc – Thị xã An Khê nói: “Giờ nhiều đoạn từ đèo Mang Yang về đèo An Khê là quá xấu, đi xe không được an toàn”.
Anh Phùng Ngọc Tiểu Lư – Lái xe cũng nói: “Một tháng tôi chi phí sửa xe mất khoảng 4 đến 5 triệu đồng vì bể bi, bể cục cao su giảm xóc rất là nhiều. Nhất là tới mùa mưa thì hư ghê lắm, mùa mưa đi thì thấy xe đau khổ lắm”.
Với mong muốn xây dựng được tuyến đường huyết mạch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội các địa phương, tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định đã ký tờ trình chung trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan xem xét cho xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku. Tuyến đường cao tốc này dài khoảng 160 km được quy hoạch theo Quyết định số 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Dự kiến, tuyến cao tốc này có quy mô 4 làn xe, đi song song với Quốc lộ 19 hiện hữu với kinh phí đầu tư dự kiến là 56.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế với nhiều hình thức. Ngoài ra, các tỉnh cũng đề xuất quy mô xây dựng cao tốc Quy Nhơn-Pleiku theo hướng phân kỳ đầu tư phù hợp với nguồn vốn đầu tư và đảm bảo tính hiệu quả của dự án. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư quy mô 2 làn xe với chiều rộng nền đường 17,25 m; hệ thống công trình hoàn chỉnh gồm: cầu, cống và công trình hầm qua 2 đèo An Khê và Mang Yang); tổng kinh phí đầu tư dự kiến 40.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030 tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch với quy mô 4 làn xe.
Ông Lê Văn Hạnh – PGĐ Phụ trách Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai đánh giá: “Cao tốc này khi được đầu tư xây dựng thì sẽ tạo ra cú hích và đây là điểm đột phá chiến lược giúp cho kinh tế-xã hội của Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung phát triển. Bởi đây là tuyến sẽ tạo ra hành lang vận tải, không những từ Tây Nguyên xuống đồng bằng miền Trung, mà đây còn tuyến kết nối biển Đông với khu vực Đông Bắc Campuchia, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng với các đề xuất của các địa phương liên quan thì Chính phủ cũng sớm cho ý kiến để đầu tư tuyến đường này”.
Ông Huỳnh Văn Hơn – PCT UBND huyện Đak Pơ cũng nói: “Có thêm 1 dự án cao tốc kết nối thì đây là một điều rất tuyệt vời để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong vấn đề vận chuyển, nhất là hàng nông sản. Hiện trên địa bàn huyện Đak Pơ có một vựa rau rất lớn lên tới hơn 6.000ha, hàng ngày thì có lượng phương tiện vận chuyển rau đi Đà Nẵng, các tỉnh lân cận rất lớn; và các mặt hàng nông sản khác ngược lại cũng rất nhiều nên thuận lợi. Chắc chắn khi đó các mặt hàng sẽ giảm giá thành, tạo điều kiện cho bà con phát triển nông nghiệp, đây là thế mạnh của huyện nhà”.
Nếu dự án cao tốc Quy Nhơn-Pleiku được xây dựng sẽ góp phần xóa điểm nghẽn về hạ tầng giao thông dọc Quốc lộ 19, qua đó giúp Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung nói chung thuận lợi hơn trong kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.