Cần giảm mạnh lãi suất cho vay cứu bất động sản

Chỉ trong vòng một tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh Fed và Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn đều tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định hạ lãi suất điều hành đang là tín hiệu cho thấy, tại Việt Nam, cơ quan quản lý đang đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ đã thực hiện trước đó.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước bước đầu có những động thái nới lỏng tiền tệ là tín hiệu giúp dòng vốn giá rẻ chảy vào nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Qua đó giúp thị trường bất động sản hồi phục trở lại sau thời gian chìm trong trầm lắng.

Thời gian qua, lãi suất cho vay tăng cao đã tác động tiêu cực đến tính thanh khoản của thị trường. Các nhà đầu tư, người mua nhà lựa chọn đứng ngoài thị trường bất động sản do việc kiểm soát tín dụng, lãi suất tăng cao khiến họ không đủ khả năng chi trả cho khoản vay và lợi nhuận từ đầu tư bất động sản không còn hấp dẫn.  

'Chỉ báo đáy' cho đầu tư bất động sản

Các doanh nghiệp bất động sản cũng rơi vào khó khăn lớn khi lãi suất tăng cao, áp lực trả nợ lớn trong khi một lượng lớn trái phiếu chuẩn bị đáo hạn, thanh khoản thị trường đóng băng, doanh nghiệp bế tắc về dòng tiền.

Có thể thấy động thái này của ngành ngân hàng được xem là một tín hiệu tích cực, kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho ngành bất động sản nói riêng và toàn nền kinh tế. Với việc điều chỉnh lần này, được kỳ vọng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp dao động từ 12 – 13%, giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc các ngân hàng hạ lãi suất là tin vui cho thị trường các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tuy nhiên, để thị trường bất động sản sôi động trở lại, lãi suất phải giảm mạnh hơn nữa.

Ông Đính cho rằng, mức giảm lãi suất từ 0,5 – 1% như hiện nay là rất thấp, chưa có nhiều tác động lớn đến thị trường, các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Minh chứng là số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong nửa đầu tháng 3/2023 tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 1%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí một số ngân hàng tín dụng tăng trưởng âm; tính chung trong 2 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng chỉ đạt 0,4%.

Do đó, trong thời gian tới, lãi suất ngân hàng cần tiếp tục được điều chỉnh giảm với biên độ nhẹ, dần đạt mức tiệm cận so với mức trước khi thắt chặt tín dụng. Có như vậy mới có thể hấp dẫn được các nhà đầu tư trở lại thị trường bất động sản, giúp khơi thông thanh khoản cho thị trường. 

Mặt khác, hiện nay với việc kiểm soát tín dụng vào thị trường bất động sản, những yêu cầu về vay vốn do ngân hàng đưa ra rất khó để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn. Chính vì vậy, phía ngân hàng cũng cần cần linh hoạt hơn các điều kiện cho vay với các doanh nghiệp.

Bàn về vấn đề lãi suất đối với bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, thách thức đối với việc giảm lãi suất là rất lớn. Các lý do khiến lãi suất của Việt Nam cao là lạm phát luôn cao hơn trung bình thế giới; kinh tế Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, tỷ lệ vay nước ngoài, ngoại tệ cao… Trong khi đó, bất động sản được đánh giá là lĩnh vực nhiều rủi ro nên lãi suất càng phải cao hơn.

Theo ông Lực, lãi suất là vấn đề cực kỳ quan trọng với thị trường bất động sản. Lãi suất tăng thì thị trường bất động sản suy giảm. Ngược lại, lãi suất giảm, thị trường bất động sản sẽ từng bước phục hồi và tăng trưởng. 

Trong khi đó, thực tế lãi suất của Việt Nam rõ ràng đang ở mức tương đối cao. Chính phủ hiện đã yêu cầu giảm lãi suất xuống và cần tiếp tục giảm hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp, thị trường. Hiện việc giảm lãi suất là vấn đề khó song Việt Nam vẫn còn dư địa để lãi suất tiếp tục giảm, ông Lực khẳng định.

Quan trọng hơn, theo ông Đính, bên cạnh vấn đề về lãi suất, để thị trường bất động sản sớm hồi phục, những nút thắt về pháp lý cũng cần sớm được tháo gỡ. Thị trường hiện đang chờ đợi động thái tháo gỡ nút thắt về pháp lý, các quy định pháp luật, để có thể khơi thông nguồn cung cho thị trường.

Khi các chính sách tháo gỡ khó khăn của chính phủ ngấm dần vào thị trường, cộng thêm sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng hành từ các phía, thị trường sẽ từng bước phục hồi.

Tin liên quan