Tại diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian qua đã phát triển nhanh, tác động nhiều ngành nghề và có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thị trường thời gian gần đây đang tồn tại nhiều điểm nghẽn, thể hiện ở một số khía cạnh.
Cơ cấu sản phẩm bất động sản đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường: cơ cấu nhà ở thương mại cao cấp nhiều trong khi dự án nhà ở giá trung bình phù hợp với đại đa số người dân lại ít, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Mất cân đối trong cơ cấu, giá nhà ở vì thế ở mức cao, người dân khó tiếp cận, tác động đến tính thanh khoản, lượng giao dịch giảm, nhất là trong quý 4 năm nay.
Thứ hai là những khó khăn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Các khó khăn của doanh nghiệp tập trung vào một số vấn đề như khó khăn tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp khiến cho nhiều dự án bất động sản dừng thi công.
Ngoài ra, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng đã có tác động đến doanh nghiệp đầu tư bất động sản khiến một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giảm lao động, các nhà thầu thi công phải dừng thi công…
Thị trường bất động sản tác động nhiều ngành nghề nên những khó khăn trên đã khiến một số lĩnh vực khác như nguyên vật liệu, trang trí nội ngoại thất bị ảnh hưởng theo. Cuối cùng là những khó khăn do tâm lý khách hàng. Một số dự án không đảm bảo pháp lý khiến các nhà đầu tư, người dân mất lòng tin.
Đánh giá về thị trường bất động sản, TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, những tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản không sôi động, kéo theo các luồng tiền những tháng cuối năm không có khởi sắc đột biến.
Nguyên nhân là do người dân mua nhà gặp khó do không dễ tiếp cận tín dụng ngân hàng, trong khi đó lãi suất trên thị trường tăng nhanh và lên mức cao. Các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp khó vì cùng lúc phải huy động vốn ở 3-4 kênh chủ chốt, khi tín dụng eo hẹp, thị trường trái phiếu bị siết.
Theo ông Chung, thị trường bất động sản hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn. Thứ nhất là rủi ro kinh tế quốc tế. Kinh tế thế giới đang tiềm tàng những bất ổn. Thứ hai là rủi ro về kinh tế vĩ mô trong nước như lạm phát, lãi suất, tỷ giá và việc kiểm soát tín dụng.
Thứ ba là rủi ro trên thị trường. Thị trường bất động sản đang điều chỉnh theo hướng đi xuống. Luồng tiền vận hành vào thị trường bất động sản đang giảm đi, không đạt được mức kì vọng tăng như cuối năm 2021. Thanh khoản bất động sản hiện đang giảm mạnh. Nếu không có chính sách nào đặc biệt, thị trướng sẽ tiếp tục thu hẹp cho tương ứng với khoản tài chính đã bị rút khỏi thị trường. Các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn rất lớn về nguồn vốn.
Bên cạnh đó là rủi ro về chính sách. Các vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng, lãi suất, tỷ giá… nếu thay đổi theo hướng tăng cao hơn nữa sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Đặc biệt, trong năm 2023, Luật đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh sẽ được thông qua, ông Chung nhận định.
Cần đồng bộ các giải pháp
Trước những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho thị trường là hết sức quan trọng.
Ông Hà dẫn chứng, cách đây 10 năm, thị trường bất động sản khó khăn, Chính phủ đã có gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp. Nguồn vốn này không phải lớn so với tổng dư nợ ở với thời điểm đó nhưng đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề, tạo ra nguồn vốn mồi, góp phần kích thích tiêu dùng, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển kéo theo nhiều ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho công nhân xây dựng.
Do đó, trong bối cảnh thị trường trầm lắng hiện nay, Chính phủ cũng cần có nguồn vốn cụ thể cho thị trường bất động sản, nhất là cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá thấp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn về dòng tiền rất lớn. Ngân hàng nhà nước cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, phát triển dự án.
Số liệu mà Ngân hàng nhà nước công bố cho thấy, room tín dụng của hệ thống ngân hàng hiện vẫn còn dư 1 – 1,2% nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, ông Hiệp chia sẻ.
Về giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn. Chính phủ đã thành lập Tổ công tác với sự tham gia của các bộ ngành nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Thông tin về các nhóm giải pháp này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, với nhóm giải pháp thúc đẩy dự án đang triển khai, các bộ ngành, địa phương đang rà soát các dự án đang triển khai đủ pháp lý, để tháo gỡ, nhất là dự án nhà ở thương mại. Hiện cả nước còn hơn 1.000 dự án ở nhóm giải pháp này, khi được tháo gỡ khó khăn sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho thị trường.
Với nhóm các giải pháp liên quan đến các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, các nhà đầu tư đang triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ được hưởng ưu đãi, Chính phủ sẽ đôn đốc địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết 11 có hiệu quả.
Chính phủ đã ban hành Đề án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mục tiêu đầu tư 1 triệu nhà ở xã hội, thời gian qua, các địa phương thực hiện 450.000 căn, đến 2025 thực hiện 571.000 căn và dự kiến đến năm 2030 cả nước có tổng số 1,4 triệu căn, góp phần tạo nguồn cung mới với giá phù hợp hơn nhưng chất lượng phải đảm bảo yêu cầu, tương đương nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu người dân.
Liên quan đến các nguồn lực như tài chính, tín dụng, vừa qua, Chính phủ đã ban hành công điện nêu rõ trách nhiệm các bộ, ngành, trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn liên quan trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp liên quan tín dụng bất động sản, giảm lãi suất, giãn các khoản nợ.
Với những giải pháp trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng sẽ góp phần giải quyết được nguồn cung và cơ cấu của thị trường bất động sản. Về các giải pháp lâu dài, Chính phủ cùng các bộ ngành sẽ tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật còn chồng chéo mâu thuẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, các địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nắm bắt tình hình doanh nghiệp trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển ổn định, lành mạnh.