Những ngày này khi người người hướng đến một cái Tết sum vầy, được về quê đoàn tụ vui xuân cùng gia đình giữa lúc dịch bệnh đang căng thẳng, có những mảnh đời bị số phận tước đi đặc quyền ấy.
Đó là 6 cô, cậu bé kháu khỉnh đang nằm tại khoa Bệnh lý sơ sinh, Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP.HCM).
Khoa Bệnh lý sơ sinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM).
6 đứa trẻ có sức khỏe, cân nặng và ngày chào đời khác nhau nhưng đều chung một hoàn cảnh: Bị mẹ đẻ xong rồi âm thầm trốn đi biệt tích, thời gian dài trôi qua mà không được gia đình đến nhận lại.
Trường hợp thứ nhất là con sản phụ T.B.L. (quê Châu Đốc, An Giang, giấu năm sinh). Sau khi sinh bé trai nặng 2.9 kg kháu khỉnh ngày 22/6/2020, sản phụ trốn khỏi khoa Sản. Bé được các y bác sĩ chăm sóc suốt 7 tháng nay.
Các bé đều có chung hoàn cảnh bị mẹ đẻ xong rồi “biệt tích”.
Cũng hoàn toàn khỏe mạnh, nặng đến 3kg khi sinh là con trai của người mẹ tên N.M.A. (23 tuổi), lâm bồn ngày 20/2/2020.
Lúc vào viện, chị A. khai nhà ngụ quận Gò Vấp (TP.HCM) nhưng khi phát hiện sản phụ đã mất tích, các bác sĩ tìm cách liên lạc theo số điện thoại và địa chỉ cung cấp thì không thấy hồi âm.
Lặng nhìn một bé gái ngủ ngon lành, cô Trần Thị Thanh Thúy, điều dưỡng trưởng khoa Bệnh lý sơ sinh chia sẻ, đó là con gái sản phụ N.T.N.M. (28 tuổi). Người mẹ này có tiền sử bị nghiện, bản thân lại bị giang mai lây luôn cho con, sinh xong cũng âm thầm cao chạy xa bay.
Dù bé không có người thân bên cạnh, các bác sĩ vẫn tích cực điều trị để loại căn bệnh “hiểm” lây từ mẹ cho con. 10 ngày sau sinh, bé khỏi bệnh. Giờ đây khi đã 8 tháng tuổi, bệnh nhi nặng gần 6kg và khỏe mạnh như các bạn đồng trang lứa.
Không có cha mẹ bên cạnh, các bé được nhân viên y tế chăm sóc như con ruột.
Trường hợp thứ tư là một bé gái sinh non thiếu tháng, nặng vỏn vẹn 1.9kg lúc chào đời. Bé là con thứ 4 của sản phụ L.T.M.T., mới 30 tuổi.
Ngoài sinh non, bé còn bị nhiễm trùng sơ sinh và bệnh màng trong, phải thở CPAP thời gian dài và liên thở máy, kháng sinh, truyền dịch. Đến ngày 30/10 thì ngưng điều trị. Hiện bé đã hơn 4 tháng tuổi, nặng 5.5kg.
Cậu bé mới vài tháng đã tự cầm được bình sữa bú ngon lành.
Đáng thương nhất là cậu bé con 4 của một sản phụ 35 tuổi, quê Sóc Trăng, sinh ngày 28/7/2020. Có lẽ vì gia cảnh nghèo, đông con và phát hiện bé bị dị tật hở hàm ếch, nhiễm trùng sơ sinh, người mẹ đã đành đoạn để lại giọt máu của mình lại BV.
“Vì sứt môi nên bé bú sữa dễ sặc, nhiễm trùng phổi tái đi tái lại hoài. BV Gia Định không có chuyên khoa ngoại nhi.
Nếu có mẹ, có gia đình bên cạnh thì chúng tôi có thể hướng dẫn họ mang qua BV chuyên khoa nhi kiểm tra để lên kế hoạch phẫu thuật sớm. Đành chờ sau này khi bé được chuyển qua viện mồ côi mới có thể tính được” – điều dưỡng Thúy nói.
Cậu bé bị hở hàm ếch đón cái Tết đầu tiên trong bệnh viện, không người thân.
Cậu bé cuối cùng là con trai đầu lòng của một sản phụ 30 tuổi, quê Lâm Đồng. Bị còi trong bụng mẹ, cậu bé dù không thiếu tháng nhưng sinh ra chỉ nặng 2.4 kg, vàng da 7 ngày. Đây cũng là trường hợp chăm sóc cực so với các bé còn lại.
Nhưng theo các điều dưỡng, nữ hộ sinh, dường như “biết thân biết phận” mà chàng trai 5 tháng tuổi này sớm vào guồng dễ ăn, dễ giữ. Giờ, cu cậu rất bụ bẫm, đáng yêu.
Trước đó vào tháng 7/2020, BV đã chuyển đi 8 đứa trẻ khác cũng trong hoàn cảnh bơ vơ 1 mình ở viện.
Đại diện khoa Bệnh lý sơ sinh cho biết, năm nay vì ảnh hưởng của dịch bệnh mà các mái ấm, trung tâm bảo trợ xã hội cũng kéo dài thời gian tiếp nhận các bé. Chính vì thế mà 6 đứa trẻ vô thừa nhận đang nằm tại BV đều đã lớn. Có trường hợp hơn 10 tháng tuổi nhưng vẫn chưa được chuyển đi.
Trước đó vào tháng 7/2020, BV đã chuyển đi 8 đứa trẻ khác cũng trong hoàn cảnh bơ vơ 1 mình ở viện.
Y bác sĩ ai cũng mong gia đình sớm đến đón các bé về.
“Mình muốn các bé đi cho sớm. Không phải vì ngại chăm sóc, mà để lâu quá thì tình cảm dành cho các con nhiều quá, chuyển đi lại bịn rịn và nhớ nhờ lắm. Với lại mình chăm các con một thời gian dài, bé đã quen mùi rồi.
Qua bên mái ấm xa lạ nhiều bé lại bỏ ăn và khóc hoài đòi về. Nghe các trung tâm báo lại ai cũng xót” – điều dưỡng Thúy tâm sự.
Pha vội bình sữa thơm, điều dưỡng Minh Anh vừa đưa vào miệng là các cô cậu nhóc bú ngon lành. Có bé tự cầm rất giỏi mà không cần người lớn phải giữ.
Nếu không có gì thay đổi, sau Tết các bé sẽ được chuyển đến Viện mồ côi.
“Sữa thì BV trích tiền quỹ để lo. Nhưng lâu lâu các điều dưỡng, bác sĩ tụi mình cũng tự lấy tiền hùn lại để phụ mua tã, cháo, quần áo, đồ chơi cho các con. Các bé lớn hết rồi nên nhu cầu nhiều, để thiếu thốn thì tội nghiệp lắm” – điều dưỡng Minh Anh trải lòng.
Theo quy định pháp luật, thủ tục chuyển 6 bé sang các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn TP.HCM đã hoàn thành, chỉ chờ ngày tiếp nhận.
Nhưng các y bác sĩ đều mong cha mẹ nghĩ lại mà đến đón con quay về, để các bé có cái Tết đầu đời sum họp bên gia đình. Bởi không ai muốn mang thân phận mồ côi.
Vì thời gian chăm sóc và điều trị kéo dài, các nhân viên y tế rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng với những đứa trẻ sơ sinh “vô thừa nhận”.
Mọi đóng góp của độc giả vui lòng liên hệ phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
SĐT: (028) 35100072
STK: 31910000146650, Ngân hàng BIDV, chi nhánh Phú Mỹ Hưng
Tên tài khoản: BENH VIEN NHAN DAN GIA DINH – CONG TAC XA HOI
Xin chân thành cảm ơn!