Cả thế giới “sáng đèn online”: Cuộc đại cách ly toàn cầu, bùng nổ shopping trực tuyến, làm việc tại nhà và những kết nối mạng

Đại dịch COVID-19 khiến các quốc gia và nhân loại đang căng mình chống chọi. Sự bùng phát của Coronavirus đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều ngành nghề và cả cuộc sống của người dân. Và trong những ngày gần đây, cụm từ được nhắc đến nhiều nhất là “Cách ly xã hội”, khi mọi người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà và mọi hàng quán, tụ điểm công cộng đều rục rịch đóng cửa.

Tuy nhiên, nền kinh tế và thế giới vẫn cần vận hành; giải pháp tạm thời cho những vấn đề hiện tại chính là sự chuyển dịch “trạng thái online” với quy mô lớn: Các trường học dạy trực tuyến, mua hàng online trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, các công ty đều chuyển sang hình thức làm việc tại nhà…

Cuộc đại cách ly toàn cầu chỉ có thể “dồn” người ta vào bốn bức tường vật lý nhưng mở ra nhiều cơ hội, những sáng kiến và cách làm hay để cuộc sống có thể vận hành như lúc bình thường (dù không thể 100%). Sống sót qua mùa dịch không chỉ còn là câu chuyện về cái ăn, cái ở; nhiều người vẫn cố gắng duy trì công việc để có thể bắt nhịp bình thường khi đại dịch qua đi.

Thế giới online đang sục sôi đến như thế nào?

Những kết nối con người không “ảo”

Mạng xã hội tồn tại như một phần không thể thiếu trong cuộc sống; sáng dậy check Facebook, ngày lướt Instagram, thỉnh thoảng chụp ảnh với Snapchat, đọc tin tức Twitter. Giữa thời điểm khủng hoảng toàn cầu, mạng xã hội thực sự phát huy hết tiềm năng của các ứng dụng để kết nối con người. Người trẻ không online chỉ vì những thú vui phù phiếm, họ cần nhau trên mạng xã hội. Người ta trò chuyện, gọi điện trao đổi công việc, họp bàn qua Facetime, các group chat hoạt động hết công suất.

Chúng ta đã kết nối trên mạng xã hội cả hàng thập kỷ nhưng đó là những kết nối “yếu” – bạn hoàn toàn có thể sống nếu không có mạng xã hội trong những thời khắc bình yên. Đại dịch COVID-19 khiến người ta suy ngẫm lại vai trò của các ứng dụng kết nối con người. Sự cần thiết của nó đã được kiểm chứng khi vượt qua ngoài giá trị giải trí, mạng xã hội và những u

Đại dịch COVID-19 không chỉ kết nối con người thông qua mạng Internet khi giờ đây, người ta đang tận dụng mọi ngóc ngách, công cụ mà Internet mang lại để làm giàu cho cuộc sống. COVID-19 còn tạo điều kiện để kết nối con người nhiều hơn trong thế giới thực tại. Những ông bố bà mẹ phải làm việc tại nhà giờ đây có nhiều thời gian hơn dành cho con cái, người trẻ biết suy nghĩ và quan tâm hơn tới sức khỏe của ông bà cha mẹ. Social distancing có thể khiến những mối quan hệ xã hội tách rời nhau nhưng cũng gắn kết những nền tảng tinh thần bền chặt trong gia đình.

Dạy học trực tuyến: Sự bắt nhịp nhanh của toàn ngành giáo dục

Là giáo viên tại một trường tư thục trên địa bàn Hà Nội, Phương Mai đã khá quen với các nền tảng công nghệ. Việc chuyển sang dạy học trực tuyến không phải là gánh nặng với cô mà chủ yếu cần thời gian để học sinh làm quen và thích nghi.

“Với các học sinh lớp lớn thì dễ nhưng với học sinh cấp một, bạn sẽ cần thời gian và gia đình phải hỗ trợ để các em làm quen với nền tảng công nghệ. Sẽ khó khăn trong thời gian đầu để học sinh tập trung hơn, hiểu được thực sự là mình đang học chứ không phải ngồi trước máy tính để chơi hay nghịch”, Phương Mai chia sẻ. Giờ đây, lịch học của nhà trường đã được duy trì khá đều đặn khi giáo viên hầu hết đều có các tiết học online mỗi ngày như thời chưa dịch bệnh. Ở các trường đại học, đặc thù của nhiều chuyên ngành mang tính tự học cao nên học sinh cũng không gặp quá nhiều khó khăn để duy trì việc tiếp thu kiến thức. Minh Trang đang là sinh viên năm 3 tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Từ khi có dịch, việc học tuy bập bõm nhưng vẫn duy trì được khá tốt.

“Bọn em vẫn phải tự học là chính, thỉnh thoảng sẽ có 1-2 giờ giảng trực tuyến lớn diễn ra. Các thầy cô vẫn giao bài tập lớn và tiểu luận bình thường. Dù số lượng và thời gian có giảm nhưng đảm bảo để khi quay lại sau dịch, mọi người có thể bắt kịp với chương trình”.

Không chỉ giáo viên ở các trường học, “cái khó ló cái khôn” đã khiến các thầy cô dạy thêm cũng chuyển hết sang nền tảng trực tuyến. Các buổi học tiếng Anh online dường như đông vui và tấp nập hơn cả. Những trung tâm ngoại ngữ cũng mở các khóa học trực tuyến với mức chi phí hấp dẫn để thu hút học viên trong thời gian dịch. Nhiều người coi thời điểm này là một cơ hội dạy thêm khi học sinh có thời gian rảnh ở nhà nhiều và phụ huynh vẫn muốn con cái bắt kịp với việc học.

Đức Nguyễn là một đầu bếp, giáo viên dạy nấu ăn ở Hà Nội. Anh đang cân nhắc mở các lớp dạy nấu ăn online khi thấy nhiều bạn bè cũng mở các lớp học khá “đặc thù” như nhảy, piano hay vẽ tranh. Tuy khá mới mẻ nhưng anh hy vọng sẽ thu hút được đông đảo những người có thời gian rảnh ở nhà.

“Nếu nhìn một cách tích cực, đây là cơ hội để chúng ta có thể thử các mô hình lớp học mới. Biết đâu sau này, nó sẽ là lựa chọn phù hợp hơn khi thế giới ngày càng chuyển đổi số. Tôi cũng không chắc khi nào thì dịch bệnh qua đi để các lớp học bình thường trở lại”.

Cả thế giới “sáng đèn online”: Cuộc đại cách ly toàn cầu, bùng nổ shopping trực tuyến, làm việc tại nhà và những kết nối mạng - Ảnh 1.

Thị trường mua sắm trực tuyến sôi nổi

Trong thời điểm cách ly như vậy, mua sắm trực tuyến trở thành cứu cánh cho nhiều người. Thương mại điện tử vốn đã sôi động thì dường như lại càng phát triển hơn trong thời điểm người người nhà nhà cố thủ trong nhà. Phải tự cách ly ở nhà tới nay là ngày thứ 9 sau khi đi nước ngoài về, anh Hoàng Minh (25 tuổi, Hà Nội) kể chuyện mua sắm trực tuyến.

“Hầu như mọi việc mua sắm của tôi bây giờ đều diễn ra trên mạng; từ việc hết dầu gội đầu lên Shopee đặt, hết sách để đọc lại lần mò Tiki cho tới việc ăn uống cũng gọi Grabfood hay Now. Bạn bè tôi ai cũng vậy, mọi người chia sẻ cho nhau các shop uy tín, mua cái này nên mua ở đâu rồi gom đơn sao cho rẻ. Dù không phải tín đồ mua sắm, tôi cũng thấy tiện lợi”.

Các nhóm “tiểu thương” trên mạng cũng phát triển, đặc biệt là những chị em bị cắt giảm công việc, nhàn rỗi hơn trong mùa COVID. Thị trường bán đồ ăn sẵn lại được dịp tấp nập hơn, đặc biệt là các sản phẩm “quà quê, rau sạch, thịt cá nhà em mang từ vườn lên”. Đại dịch COVID đã khiến các mặt hàng thực phẩm trở nên “hot” hơn khi tâm thế gom hàng lo sợ đại dịch tràn lan, vì thế những sản phẩm đồ ăn giao tại nhà, công ty như vậy cũng được săn đón tấp nập.

Cả thế giới “sáng đèn online”: Cuộc đại cách ly toàn cầu, bùng nổ shopping trực tuyến, làm việc tại nhà và những kết nối mạng - Ảnh 2.
Cả thế giới “sáng đèn online”: Cuộc đại cách ly toàn cầu, bùng nổ shopping trực tuyến, làm việc tại nhà và những kết nối mạng - Ảnh 3.

“Nhà chị ở Hải Phòng, thỉnh thoảng lại có mẻ cá, tôm ngon. Đợt này chị bảo bố mẹ gom nhiều nhiều chút để bán trên Hà Nội. Lời lãi thì có hơn ngày bình thường nhưng chủ yếu là để có việc trong thời điểm khó khăn này”, chị Hoài, nhân viên một công ty du lịch vừa tạm thời nghỉ việc vì dịch COVID.

“Work from home” và social distancing: Hai thuật ngữ phổ biến nhất mùa dịch

Có thể thấy Facebook, Skype hay các ứng dụng trò chuyện trực tuyến của mọi người trong thời điểm này luôn luôn sáng đèn khi nhiều công ty đã cho nhân viên làm việc tại nhà và người trẻ được khuyến cáo cũng không nên ra khỏi nhà. Ở nhà trong thời gian dài, nhiều người không có lựa chọn giải trí nào khác ngoài lên mạng, xem Youtube hay coi phim.

Không phải ngành nghề nào cũng có thể “work from home” dễ dàng, đặc biệt là các ngành sản xuất. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã biến nhiều công việc tưởng chừng như khó có thể làm từ xa trở nên khả thi. Các bác sĩ tâm lý có thể tư vấn tại nhà thông qua gọi thoại trực tuyến, nhà hàng livestream để mọi người order và giao hàng tận nhà, các ngành nghề sáng tạo như thiết kế, nội dung, truyền thông, marketing đều hoàn toàn phù hợp khi làm việc độc lập. Ca sĩ tổ chức livestream các buổi diễn, các buổi họp báo trực tuyến diễn ra, các Youtubers chuyển qua những nội dung trong nhà. Những nhân viên văn phòng trong các nhóm ngành như IT, ngân hàng, tư vấn bảo hiểm… cũng bắt nhịp nhanh với việc tương tác với nhau qua các ứng dụng trực tuyến. Huy Hoàng (30, tuổi) là một chuyên viên nhân sự tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

“Việc tuyển dụng trong thời gian này vẫn phải diễn ra khi đây là lúc có thể tìm được nhiều ứng viên tốt. Công ty tôi vẫn tổ chức phỏng vấn trực tuyến, làm bài kiểm tra đầu vào trực tuyến như bình thường. Các nhân viên mới có thể đi làm từ đầu tháng 5 hoặc cuối tháng 4, tùy theo tình hình dịch. Mọi thứ được đảm bảo để cả công ty vào guồng tốt nhất sau đợt cách ly này”.

Cả thế giới “sáng đèn online”: Cuộc đại cách ly toàn cầu, bùng nổ shopping trực tuyến, làm việc tại nhà và những kết nối mạng - Ảnh 4.

Cả thế giới “bật đèn online” để bắt nhịp với một cuộc sống mới. Như ai đó đã nói, COVID-19 không chỉ lật ra một trang mới đầy thử thách của nhân loại mà mở ra rất nhiều cơ hội để con người có thể thử nghiệm khả năng vượt lên những biến cố trong thế kỷ đầy biến động. Thế giới chuyển trạng thái online chính là cách để cùng nhau vượt qua đại dịch trong thời điểm khó khăn này.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp, và trong thời gian tới đây, đất nước chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thử thách thật sự. Thông điệp mà Chính phủ, Bộ Y Tế và các cơ quan chính quyền địa phương đưa ra, đó là: Người dân nếu không có nhiệm vụ gì, nếu thực sự không cần thiết thì nên ở nhà vì nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng đang rất cao.

Hãy “ở yên” khi Tổ Quốc cần. Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào, đang ở chỗ nào thì hãy ở yên chỗ đấy. Còn tôi, tôi ở nhà! Vì ở nhà lúc này, đã là hành động cho thấy ý thức bảo vệ bản thân, chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh.

Các y bác sĩ trên toàn thế giới đang lan truyền thông điệp “Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi”. Là một công dân có ý thức, đặt sự an toàn sức khoẻ lên hàng đầu, hãy cùng nhau lan toả lời kêu gọi #toionha để nhanh chóng đẩy lùi #CôVyĐiĐi các bạn nhé!


Theo Minh Đức

Tin liên quan