Biết con trai có thể đã bị kẻ gian lừa mất tiền, ông bố vẫn khen ngợi và lời giải thích đáng để suy ngẫm

Một hôm, một cậu bé đang đi trên đường thì gặp một người phụ nữ trẻ bế một em bé. Đầu tiên cô ấy hỏi đường, rồi ngại ngùng giãi bày rằng mình tới để du lịch, ví tiền lại bị đánh cắp, muốn vay cậu bé chút tiền đi xe.

Cậu bé lắng nghe rồi rút ví tiền từ trong túi, không lưỡng lự đưa tiền cho người phụ nữ. Cô ấy luôn miệng cảm ơn, khen cậu là một đứa trẻ lương thiện.

Đang chuẩn bị cất ví nhưng dường như đột nhiên nghĩ ra điều gì đó, cậu bé hỏi: “Cô ơi, ví của cô bị đánh cắp mất, vậy cô tới bến tàu rồi, cô làm sao mua vé về nhà được?”

Người phụ nữ trẻ để lộ ra vẻ bất lực: “Đến ga tàu rồi tính tiếp vậy.”

Cậu bé do dự một lúc rồi lại mở ví, lấy ra mấy chục đồng tiền giấy đưa cho người phụ nữ, nói: “Cô ơi, tiền này cháu chuẩn bị để mua sách, cháu đưa cô luôn.”

Người phụ nữ không ngờ, cậu bé sẽ chủ động đưa tiền cho mình. Nhưng cô vẫn có chút do dự khi nhận tiền cậu bé đưa.

Dường như cậu bé vẫn còn không yên tâm, nói với người phụ nữ, nếu như số tiền này chưa đủ để mua vé tàu, cậu có thể gọi điện cho bố mình tới, công ty bố cậu ở ngay gần đó.

Người mẹ trẻ xua xua tay: “Không cần, không cần đâu. Cảm ơn cháu nhé, bạn nhỏ. Cháu thực sự là một cậu bé ngoan.” Vừa nói cô ta vừa ôm vội cậu một cái, rồi dời đi.

Không còn tiền đi mua sách, cậu bé đi tới công ty bố, kể lại câu chuyện vừa rồi cho bố nghe. Bố cậu xoa đầu, tán dương cậu, rồi đưa cho cậu một ít tiền và bảo cậu vẫn phải tới hiệu sách mua sách.

 Biết con trai có thể đã bị kẻ gian lừa mất tiền, ông bố vẫn khen ngợi và lời giải thích đáng để suy ngẫm - Ảnh 1.

Cậu bé vừa đi khỏi, cả văn phòng bắt đầu xôn xao bàn tán, mọi người đều cảm thấy người phụ nữ kia là kẻ lừa đảo.

Một đồng nghiệp còn khẳng định, anh ta thường thấy người phụ nữ bế theo đứa bé hoạt động gần công ty. Mọi người gần như đều đồng tình, cậu bé đã bị lừa. Nhưng mấu chốt cuộc tranh luận là, có nên nói rõ chân tướng cho cậu bé?

Một ý kiến cho rằng, bắt buộc phải nói cho cậu bé biết chân tướng, tránh để cậu bị lừa gạt thêm lần nữa.

Ý kiến khác lại cho rằng, không nên nói với cậu, nếu không cậu bé sẽ bị tổn thương, sau này sẽ không dễ dàng tin tưởng người khác nữa.

Mọi người đều bảo vệ ý kiến của mình, và có vẻ như ai cũng có cái đúng.

Nhưng cha cậu bé nói, khi con trai vừa kể, ông đã dự cảm thấy người phụ nữ có thể là kẻ lừa đảo. Dù vậy, ông không nói ra bởi vì không muốn làm tổn thương lòng tốt của con. Hơn nữa, cũng có thể người phụ nữ đó thực sự đang gặp khó khăn.

Người cha chia sẻ: Thằng bé từ nhỏ đã vậy, chỉ cần nhìn thấy người ăn xin, dù là người lớn hay trẻ con, cũng đều dừng lại, lấy tiền tiêu vặt đưa cho họ.

Tôi cũng từng nói với con, quả thật có người không thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân, nhưng cũng có người lười làm ham ăn, con phải xem xét từng hoàn cảnh mới quyết định có nên cho tiền không. Nếu không, lòng tốt của con sẽ bị lợi dụng.

Nhưng thằng bé nghiêng đầu, hỏi ngược lại: “Làm thế nào để phân biệt rõ được? Con giúp họ vì lòng tốt, không liên quan tới việc họ là ai!”

Xét về bản chất, lòng tốt, sự lương thiện của một người xuất phát từ lòng trắc ẩn, không cần báo đáp, cũng không liên quan tới thái độ người khác.

Cổ nhân có câu: Người làm việc thiện, phúc tuy chưa tới, họa cũng đã cách xa; Người làm điều ác, họa tuy chưa tới, nhưng phúc cũng đã rời xa.

Làm việc thiện luôn là điều đáng quý. Sự lương thiện của chúng ta ở một thời điểm nào đó có thể chiếu sáng, thậm chí là thay đổi cả những người xung quanh! Và theo luật nhân quả, việc gieo những mầm non tử tế sẽ giúp con người nhận lại quả ngọt theo cách này hay cách khác, hoặc sớm hoặc muộn.

 Biết con trai có thể đã bị kẻ gian lừa mất tiền, ông bố vẫn khen ngợi và lời giải thích đáng để suy ngẫm - Ảnh 2.

Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng, lòng tốt nếu trao cho nhầm người, không được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, sẽ mất đi giá trị tốt đẹp.

Nếu rơi vào tình huống như trong câu chuyện này và ở vào vị trí của người bố, các bạn sẽ xử trí ra sao?


Theo Khánh An

Tin liên quan