Bị phạt vì om quỹ bảo trì, chủ đầu tư chung cư “dát vàng” kiện ngược Hà Nội

Sau khi Hà Nội ban hành quyết định xử phạt chủ đầu tư chung cư Hòa Bình Green City chậm bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị thì mới đây Công ty TNHH Hòa Bình đề nghị UBND TP thu hồi quyết định trên.

Bị phạt vì om quỹ bảo trì, chủ đầu tư chung cư "dát vàng" kiện ngược Hà Nội 1

Cư dân Hòa Bình Green City căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng, công khai minh bạch quỹ bảo trì

Dự án “Khu dịch vụ công cộng, thương mại, nhà trẻ kết hợp chung cư cao tầng – Hòa Bình Green City” tại số 505 Minh Khai, Hà Nội (Chủ đầu tư là Công ty TNHH Hòa Bình) được quảng bá là chung cư cao cấp với chất lượng 6 sao. Dự án gồm hai toà nhà: CT-01 (đã được bàn giao cho khách hàng năm 2014) và CT-02 (đã được bàn giao cho khách hàng năm 2015).

Ngày 27/3/2020, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 1270/QĐ-UBND về việc Xử lý vi phạm hành chính về quản lý sử dụng nhà chung cư. Nội dung văn bản này đề nghị: Xử phạt hành chính Công ty TNHH Hoà Bình 125.000.000 (một trăm hai mươi lăm triệu đồng) với hành vi: Không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 66 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ.

Ngày 06/04/2020, theo công văn Số: 77 – 2020/CV-HB, Công ty TNHH Hòa Bình đề nghị thu hồi Quyết định số 1270/QĐ-UBND ngày 27/3/2020 của UBND Thành phố Hà Nội với nhiều lý do.

Bị phạt vì om quỹ bảo trì, chủ đầu tư chung cư "dát vàng" kiện ngược Hà Nội 2

Công ty TNHH Hòa Bình đề nghị UBND TP Hà Nội thu hồi quyết định xử phạt do om phí bảo trì

Cụ thể, năm 2013, khi Dự án Hòa Bình Green City đang trong quá trình xây dựng thì kinh tế Việt Nam khủng hoảng, thị trường bất động sản đóng băng nên Chính phủ phải ra Nghị quyết 02/NQ-CP để giải cứu thị trường bất động sản.

Ngày 07/7/2016, Thanh tra TP Hà Nội có Quyết định 1945/QĐ-TTTP-P6 thanh tra chống thất thu tiền sử dụng đất và thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Hòa Bình Green City. Theo các quyết định của Thanh tra TP Hà Nội thì tiền sử dụng đất của dự án là 134 tỷ đồng và doanh nghiệp phải nộp thêm 4,88 tỷ đồng; tiền sử dụng đất cho 25.000m2 TTTM Công ty đã miễn phí tiền thuê mặt bằng là 16,17 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo các Quyết định này.

Trên cơ sở 3 lần Sở Tài nguyên và Môi trường có Tờ trình báo cáo UBND TP về tiền sử dụng đất do dự án điều chỉnh cùng với các quyết định của Thanh tra TP Hà Nội chống thất thu tiền sử dụng đất. Công ty đã nộp đủ tiền sử dụng đất, nhưng sau 18 tháng công ty vẫn chưa nhận được thông báo của UBND TP Hà Nội xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính của dự án.

Ngày 23/4/2018, Công ty đã gửi văn bản số 68-2018/CV-HB và sau đó là văn bản số 217-2018/CV-HB ngày 15/11/2018 lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị giúp đỡ Công ty tháo gỡ vướng mắc trong việc tính xác định giá đất của dự án. Ngày 26/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến tại văn bản số 1809/PC-VPCP chuyển đến UBND thành phố Hà Nội để xem xét trả lời đề nghị của Công ty.

Về vấn đề này, Công ty đã nhiều lần gửi công văn đề nghị UBND TP Hà Nội giải quyết. Sau nhiều lần Công ty đề nghị, ngày 07/6/2019, UBND TP Hà Nội có công văn số 185/BC-UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính kiểm tra, xem xét kiến nghị của Chủ đầu tư, quá trình xác định nghĩa vụ tài chính dự án, chỉ đạo hướng dẫn UBND Thành phố giải quyết các nội dung kiến nghị của Công ty TNHH Hòa Bình theo quy định của pháp luật.

Ngày 14/02/2020, Thủ tướng Chính phủ lại có văn bản số 09/TTg-CN có ý kiến chuyển đến UBND Thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết xét trả lời đề nghị của Công ty. Nhưng UBND Thành phố Hà Nội vẫn chưa có ý kiến gì về tiền sử dụng đất tại dự án Hoà Bình Green City.

Nội dung công văn nêu rõ, từ khi bàn giao, Ban quản lý chung cư Hoà Bình Green City vẫn đang thu phí dịch vụ là 3.900 đồng/m2/tháng (đây là mức phí dịch vụ dành cho chung cư thu nhập thấp); chi phí thực tế mà các chung cư khác đang thu mức trung bình là 12.000 đồng/m2/tháng.

Như vậy với diện tích hơn 100.000 m2 nhà thì số tiền phí dịch vụ hàng năm Công ty phải bù lỗ cho Ban quản lý chung cư Hoà Bình Green City là: 9.720.000.000 đồng; trong 5 năm (Từ 2015 – 2019), Công ty phải bù lỗ là: 48.600.000.000 đồng.

Ngoài ra, để hưởng ứng phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” do Chính phủ Việt Nam phát động, Công ty lập đề án xây dựng TTTM tại 63 tỉnh thành và miễn phí tiền thuê mặt bằng hỗ trợ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Công ty đã thực hiện miễn phí tiền thuê mặt bằng 25.000 m2 tại TTTM 505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Mỗi năm số tiền miễn phí thuê mặt bằng trung bình 70 – 80 tỷ đồng.

Từ năm 2015 đến nay, số tiền miễn phí cho thuê mặt bằng khoảng 350 – 400 tỷ đồng. Vì vậy, Công ty rất mong muốn được bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư Hoà Bình Green City theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi của khách hàng mua nhà tại dự án cũng như uy tín của Chủ đầu tư.

“Công ty đã đề nghị Ban quản trị Tòa nhà thành lập bộ phận quản lý để vận hành toà nhà, nhưng với phí dịch vụ chênh lệch thì Ban quản trị cũng chưa đưa ra được giải pháp, và Ban quản trị yêu cầu Chủ đầu tư phải hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ cho các khách hàng mua nhà trước” – phía Công ty Hoà Bình cho biết.

Để giải quyết việc cấp GCNQSDĐ cho các khách hàng, Công ty TNHH Hòa Bình đề nghị thu hồi Quyết định số 1270/QĐ-UBND ngày 27/3/2020 của UBND Thành phố Hà Nội. Trong tháng 5/2020, có thông báo từ UBND TP Hà Nội xác nhận Dự án Hoà Bình Green City đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, sẽ cấp toàn bộ GCNQSDĐ cho các khách hàng mua nhà tại dự án.

TUẤN TÚ

 

Tin liên quan