Berjaya đặt cược mạo hiểm vào siêu dự án “đắp chiếu” gần 10 năm

Đại diện Tập đoàn Berjaya vừa lên tiếng xác nhận đầu năm tới doanh nghiệp Malaysia này có thể khởi công Dự án Trung tâm tài chính Việt Nam (VFC) đang chậm tiến độ gần chục năm nay.

Berjaya thực ra không phải là một cái tên lạ tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Dừng để chờ thời

Bắt đầu từ năm 2006 đến tháng 2/2007, Berjaya đã chính thức trở thành tập đoàn Malaysia đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư và phát triển về bất động sản tại Việt Nam. Kể từ đó cho tới nay, Tập đoàn Berjaya đã đầu tư nhiều dự án lớn.

Trong đó nổi tiếng nhất là Dự án Khu đô thị mới Thạch Bàn – Hà Nội (Ha Noi Garden City) với quy mô 32 hecta tọa lạc tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội với tổng giá trị dự án sau đầu tư khoảng 500 triệu USD.

Đứng thứ 2 là Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) tại TP.HCM. Dự án đã được UBND TP.HCM cấp giấy phép đầu tư vào tháng 02/2008 gồm 3 cao ốc với độ cao 48 tầng được sử dụng làm văn phòng làm việc, khu dịch vụ mua sắm; một cao ốc làm khách sạn quốc tế 5 sao với 48 tầng. Dự án trải rộng trên diện tích 6,64 hecta của khu đất giáp 3 mặt tiền đường Cao Thắng nối dài – Lê Hồng Phong – 3 Tháng 2.

Dự án được chủ đầu tư dự kiến triển khai vào đầu năm 2008 tuy nhiên sau khi có giấy phép đầu tư dự án vẫn nằm bất động một thời gian dài. Trước sự quyết liệt của chính quyền địa phương, đầu năm 2014, Berjaya đã đề nghị Thành phố cho phép điều chỉnh quy mô dự án xuống còn một nửa so với ban đầu.

Berjaya đặt cược mạo hiểm vào siêu dự án "đắp chiếu" gần 10 năm 1

Sau gần chục năm được cấp phép đầu tư dự án VFC vẫn là một khu đất trông giữ xe

Ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng giám đốc Công ty Berjaya Việt Nam lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, ngoài các nguyên nhân xuất phát từ khâu thủ tục hành chính thì khó khăn lớn nhất mà Công ty Berjaya Land Berhad gặp phải trong thời gian dài vừa qua là chủ đầu tư đã không đánh giá đúng tình hình thị trường bất động sản của Việt Nam.

Do có thời điểm bong bóng bất động sản của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng “phình” quá to và quá nóng, các chủ đầu tư ồ ạt đầu tư vào những dự án trung tâm thương mại, căn hộ cho thuê quá nhiều. Đến khi thị trường “đóng băng”, khiến những dự án của Berjaya Land Berhad có xây dựng cũng không bán được. Vì thế, họ chờ thời cơ…

Cơ hội đã đến?

Sau 3 năm chờ thời, mới đây, đại diện VFC cho biết, hiện đã có một nhà đầu tư đồng ý hợp tác với Berjaya để làm dự án này. Từ nay đến cuối năm, Berjaya sẽ hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của hợp đồng, ngay sau đó sẽ được bàn giao mặt bằng sạch để có thể khởi công, xây dựng nhanh dự án này.

“Nếu các vấn đề được giải quyết theo đúng dự kiến thì Dự án VFC có thể khởi công ngay đầu năm tới” – đại diện VFC khẳng định.

GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng với một số dự án FDI chậm triển khai bởi những lý do khách quan như nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. “Trường hợp này cần phải xem xét không nên rút giấy chứng nhận đầu tư, thậm chí có biện pháp tích cực hỗ trợ nhà đầu tư bởi đây chính là những nhà đầu tư có nhu cầu, mong muốn đầu tư thật sự” – GS Mại cho biết.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bất động sản lo ngại, viện lý do thủ tục khó khăn, bất động sản trầm lắng… để xin giảm quy mô, điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian thực chất chỉ là cái cớ để các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục được sử dụng quỹ đất lớn, ở vị trí đẹp. Đây chính là lý do khiến các dự án FDI chậm tiến độ vẫn la liệt trên thị trường, thậm chí rơi vào tình cảnh “rút không được mà để cũng không xong”.

“Do vậy cơ quan quản lý không nên quá dễ dãi trong việc đồng ý cho doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch mà cần đánh giá lại các dự án chậm triển khai dựa theo luật Đất đai, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ để đấu giá tìm nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp hơn” – TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đề nghị.

TUỆ NHI

 

 

 

Tin liên quan