Bất động sản vẫn trầm lắng

Những gam màu sáng đã bắt đầu xuất hiện

Chia sẻ tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường bất động sản quý I/2023 và diễn biến thị trường bất động sản quý II/2023”, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, những gam màu sáng bắt đầu đã xuất hiện trên thị trường bất động sản

Ba điểm nghẽn lớn nhất của thị trường là tín dụng, trái phiếu và pháp lý đang được Chính phủ vào cuộc quyết liệt để từng bước tháo gỡ. Trong vòng 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần điều chỉnh lãi suất và sẽ còn tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới để về mức hợp lý, tiệm cận khả năng chi trả của người dân. Cùng với đó là thông tin về gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng của các ngân hàng thương mại.

Về thủ tục pháp lý, Chính phủ và các bộ ngành cũng đang tích cực rà soát, gỡ vướng cho doanh nghiệp. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33, trong đó có quy định đáng chú ý là việc cho phép bất động sản xây dựng trên đất thương mại dịch vụ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Thị trường bất động sản chưa thoát khỏi trầm lắng
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam

Đây là mong đợi từ lâu của các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Điểm nghẽn này đã kéo dài nhiều năm và hiện tại đã chính thức được tháo gỡ. Thời gian tới, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có thêm niềm tin của nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy sự phát triển của phân khúc này.

Với vấn đề về trái phiếu, Nghị định 08 và việc sửa đổi Thông tư 16 đang giúp gỡ vướng cho trái phiếu doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp có thể đàm phán với nhà đầu tư, từng bước giải bài toán trái phiếu đến hạn đang cận kề.

Ông Đính cho rằng, những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian gần đây là điểm sáng vô cùng lớn trên thị trường bất động sản. Việc Chính phủ liên tục ban hành những chính sách rất đúng, trúng vào những điểm khó, vướng của thị trườngđang giúp tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp trở lại thị trường. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp thị trường bất động sản từng bước phục hồi trong thời gian tới.

Cần đòn bẩy mạnh mẽ để tạo cú hích cho thị trường “bật dậy”

Mặc dù đã ghi nhận tâm lý tích cực, song theo ông Đính, thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi trạng thái trầm lắng.

Các giải pháp nhằm “gỡ rối” cho thị trường thể hiện được quyết tâm đồng hành từ phía Chính phủ đối với các doanh nghiệp bất động sản. Tiếp thêm niềm tin cho các doanh nghiệp và các cá nhân tham gia thị trường. Tuy nhiên, các giải pháp mới đang phát huy ở giai đoạn “trấn an tinh thần”. Chưa đủ độ ngấm và lực để trở thành đòn bẩy, tạo cú hích cho thị trường “bật dậy”.

Hiện Chính phủ vẫn chưa ban hành điều chỉnh luật mới, văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, dẫn đến việc chưa thể tháo gỡ một cách triệt để các rào cản. Thị trường có tín hiệu tích cực nhưng chưa có kết quả cụ thể, chưa thực sự thoát ra khỏi khó khăn, trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp vẫn lao đao, đối mặt với khủng hoảng và phá sản.

Thị trường bất động sản chưa thoát khỏi trầm lắng 1
Hội thảo “Toàn cảnh thị trường bất động sản quý I/2023 và diễn biến thị trường bất động sản quý II/2023” do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức.

Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý II sẽ có thêm nhiều hơn những văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho hàng ngàn dự án đang “đắp chiếu” chờ đợi tham gia vào thị trường, cung cấp vào thị trường nguồn cung mới. 

Nếu thị trường có nhiều hơn nguồn cung sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực, nhu cầu đầu tư, Chính phủ tiếp tục vào cuộc một cách quyết liệt, ban hành các chính sách đúng và trúng vào các điểm nghẽn, liên tục tháo gỡ các khó khăn còn tồn tại, lãi suất tiếp tục được điều chỉnh hợp lý…, thị trường sẽ có thêm những khởi sắc.

Bên cạnh đó, để thị trường thật sự thoát ra được trạng thái trầm lắng, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy nhanh việc ban hành các văn bản dưới luật, có tính chất tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý cho hàng ngàn dự án đầu tư phát triển đang “án binh bất động”.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc SGO Homes cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng gỡ bỏ vướng mắc pháp lý. Mở rộng đối tượng được vay, hưởng ưu đãi tín dụng cho các sản phẩm có giá trị thấp, các dự án mới, dự án thương mại. Hỗ trợ về thuế như thời điểm dịch Covid-19, cho phép doanh nghiệp bất động sản được chậm thuế từ 6 tới 12 tháng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, để bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, thị trường cần sớm cân bằng cán cân cung cầu, đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhà ở xã hội là phân khúc có nhu cầu cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại chưa thực sự thu hút chủ đầu tư tham gia phát triển phân khúc này, khiến nguồn cung trên thị trường không thể đáp ứng lượng lớn nhu cầu hiện tại. 

Do đó, Nhà nước cần sớm sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư liên quan đến chuyển nhượng dự án, tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội. Đồng thời, các chính sách về nhà ở xã hội cũng cần linh hoạt, không quy định cụ thể đối tượng được mua nhà ở xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tham gia vào phân khúc này. 

Tin liên quan