Báo Mỹ đưa tin, 74% người sống sót sau khi mắc COVID-19 mất khứu giác và vị giác: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và khởi đầu cho các mối nguy sức khỏe nghiêm trọng

Edelmira Rivera đã sống sót sau khi mắc COVID-19 và mất khứu giác vào ngày 14/1/2021. Sáng sớm hôm sau, một đám cháy xảy ra ở ngay bên cạnh phòng ngủ của cô, cách nơi cô đang nằm chưa đầy một bước chân. Nhưng Rivera không thể ngửi thấy bất cứ mùi gì và thiếu chút nữa thôi gia đình cô đã gặp nguy hiểm nếu em gái cô không kịp thời phát hiện.

Giống như Rivera, hàng triệu người trên toàn thế giới đã bị mất khứu giác hoặc vị giác sau khi nhiễm COVID-19. Hầu hết, các triệu chứng thường chỉ kéo dài vài tuần.

Tuy nhiên, một năm sau đại dịch, các nhà nghiên cứu vẫn không chắc chắn khi nào một số người sống sót sau COVID-19 có thể lấy lại được những giác quan đó. Rất nhiều người đang hoang mang những tác động lâu dài về an toàn, vệ sinh và tinh thần do mất đi khứu giác hoặc vị giác.

Tiến sĩ Jay Piccirillo, một chuyên gia tai mũi họng và là giáo sư tại Đại học Y khoa Washington, cho biết: “Khi đại dịch bùng phát, chúng tôi đã lo lắng về tác động mãn tính của COVID-19 đối với khứu giác và vị giác. Thực tế cho thấy rằng hầu hết mọi người đều phục hồi được khứu giác và vị giác, mặc dù không phải tất cả.”

Các nghiên cứu cho thấy có tới 80% những người khỏi COVID-19 bị rối loạn chức năng khứu giác hoặc vị giác. Một số bị suy giảm khả năng ngửi hoặc nếm. Một số bị mất hoàn toàn hai giác quan này.

“Hầu hết mọi người lấy lại cảm giác trong vòng vài tuần, nhưng khoảng 5-10% trong số đó sẽ tiếp tục có các triệu chứng sau sáu tháng. Nếu sau khoảng thời gian này, khứu giác và vị giác có thể không bao giờ quay trở lại”, tiến sĩ Piccirillo nói

Hơn 74% người từng mắc COVID-19 bị rối loạn khứu giác

 Báo Mỹ đưa tin, 74% người sống sót sau khi mắc COVID-19 mất khứu giác và vị giác: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và khởi đầu cho các mối nguy sức khỏe nghiêm trọng - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đã có những chẩn đoán ngay từ những ngày đầu của đại dịch rằng rối loạn khứu giác có liên quan đến các trường hợp mắc COVID-19 nhẹ hơn, và các trường hợp ở những người trẻ tuổi. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nội khoa cũng đã củng cố kết luận này.

Các nhà khoa học của bang Ohio đã thực hiện một nghiên cứu trên hơn 2.500 bệnh nhân COVID-19 tại 18 bệnh viện châu Âu. Kết quả là, hơn 74% trong số họ cho biết có hiện tượng rối loạn khứu giác và 46% bị rối loạn vị giác. Phần lớn những người có hiện tượng này là bệnh nhân trẻ và những người trường hợp mặc bệnh nhẹ hơn.

Tin tốt là hơn một nửa số bệnh nhân bị rối loạn khứu giác đã lấy lại khứu giác trong vòng một tháng, và 95% bệnh nhân hồi phục sau sáu tháng. Đối với 5% còn lại, tương lai vẫn chưa rõ ràng.

Tiến sĩ Pam Dalton, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Monell Chemical Senses ở Philadelphia, cho biết các bệnh nhân không nên từ bỏ hy vọng. Một số người bị mất khứu giác do nhiễm các loại vi rút gây cảm lạnh thông thường, đã lấy lại được khứu giác sau vài năm. Đối với COVID-19, vấn đề có thể cũng sẽ tương tự.

Các chuyên gia cho biết, mất khứu giác và vị giác có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và khiến việc xác định các mối nguy hiểm trong môi trường trở nên khó khăn hơn, chẳng hạn như rò rỉ khí gas hoặc thực phẩm hư hỏng. Đối với những nghề phụ thuộc vào các giác quan, mất khứu giác hoặc vị giác có thể là dấu chấm hết. Nó có thể làm suy giảm sức khỏe tinh thần và dẫn đến tình trạng tăng cân nghiêm trọng.

Lyss Stern, 46 tuổi, sống tại thành phố New York, cho biết cô đã tăng 30 cân kể từ khi mất khứu giác và vị giác vào cuối tháng 3/2020, khi cô mắc COVID-19 nhẹ trong sáu tuần. Cô quá mệt mỏi để tập thể dục và ăn rất nhiều carbs trong giai đoạn đó, một phần nguyên nhân vì mất đi vị giác nên khó kiểm soát những gì mình ăn, một phần khác vì stress do hoang mang vì mất đi những giác quan đó.

Gail Pav, 53 tuổi, ở Long Beach, Mississippi, – một trường hợp nhẹ của COVID-19 vào tháng 9/2020 đã khỏi bệnh – phải nhờ chồng nếm thử các món ăn khi vào bếp và cho cô biết khi nào có thứ gì đó bốc mùi trong thùng rác do bị mất hoàn toàn hai giác quan sau khi khỏi bệnh.

Lần đầu tiên lịch sử y khoa gần đây lại có nhiều người bị mất khứu giác hoặc mất vị giác

Rất nhiều nghiên cứu về vấn đề COVID-19 phá vỡ các giác quan của vị giác và khứu giác đang được tiến hành.

Vào tháng 7, hàng chục nhà nghiên cứu đã công bố báo cáo cho thấy virus SARS-Cov-2 thay đổi khứu giác ở bệnh nhân không phải bằng cách lây nhiễm trực tiếp vào các tế bào thần kinh phát hiện mùi mà bằng cách ảnh hưởng đến chức năng của các tế bào hỗ trợ.

Tiến sĩ Sandeep Robert Datta, giáo sư sinh học thần kinh tại Trường Y Harvard cho biết, hiện các nhà nghiên cứu đang bắt đầu xem xét dữ liệu khám nghiệm tử thi con người để đánh giá lý thuyết ban đầu: “Chưa bao giờ trong lịch sử y khoa gần đây lại có nhiều người bị mất khứu giác hoặc mất vị giác như vậy. Chúng ta cần thực hiện một nỗ lực khoa học cơ bản nghiêm túc để giúp các bác sĩ ứng phó với tình trạng những bệnh nhân ngày càng gia tăng.”

Các nhà nghiên cứu khác đang xem xét liệu virus SARS-Cov-2 có tấn công hệ vị giác độc lập với hệ thống khứu giác hay không? Bệnh nhân có bị mất vị giác do hậu quả trực tiếp của việc mất khứu giác không?

Các biện pháp điều trị vẫn đang được nghiên cứu

 Báo Mỹ đưa tin, 74% người sống sót sau khi mắc COVID-19 mất khứu giác và vị giác: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và khởi đầu cho các mối nguy sức khỏe nghiêm trọng - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho biết, các lựa chọn điều trị cho những người bị mất hoặc rối loạn khứu giác hoặc vị giác còn hạn chế. Có một số nghiên cứu về các phương pháp điều trị bằng steroid và vitamin. Ngoài ra còn có một kỹ thuật gọi là huấn luyện khứu giác, thông qua việc yêu cầu những bệnh nhân mất khứu giác ngửi các loại tinh dầu khác nhau trong một thời gian ngắn mỗi ngày trong vài tuần.

Tiến sĩ Piccirillo và nhóm của ông đang tiến hành một thử nghiệm huấn luyện khứu giác với bệnh nhân COVID-19. Chương trình đào tạo theo hướng truyền thống có bốn mùi hương: hoa hồng, chanh, đinh hương và bạch đàn. Đối với thử nghiệm của mình, Piccirillo đang cho phép một nhóm người tham gia chọn mùi hương ưa thích của họ để kiểm tra xem liệu có hiệu quả hơn khi cho bệnh nhân tiếp cận với những mùi hương quan trọng đối với mình hay không? Họ cũng đang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để xem hiệu quả của thuốc theophylline – một loại thuốc chữa bệnh hen suyễn phổ biến.

Cả Reiter và Dalton đều đang nghiên cứu với nhóm của mình để theo dõi sự phục hồi của các bệnh nhân COVID-19 bị mất khứu giác. Nhóm của Tiến sĩ Dalton cũng đang phát triển một thử nghiệm thông qua kiểm tra khứu giác để xác định những người bị nhiễm COVID-19. Họ đang triển khai các bài kiểm tra cho các phòng khám và Đại học Yale.

Theo USA Today


Lưu Ly

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Tin liên quan