Bài học thâm thuý từ câu chuyện ‘Người gánh nước và cái thùng nứt’: Đừng bao giờ đánh giá thấp bản thân ngay cả khi bạn không hoàn hảo

“Nhân vô thập toàn”, không ai là hoàn hảo, nói cách khác ai cũng là cái thùng nứt, khác chăng là nứt nhiều hay nứt ít, nứt ngang hay nứt dọc mà thôi. Đừng tự ti hay mặc cảm về “vết nứt” của mình. Nếu tất cả chúng ta có thể mang một trái tim khoan dung như người nông dân, tìm ra điểm mạnh của mình, khắc phục những điểm yếu và chịu tôi luyện chính mình không ngừng thì cũng có ngày làm nên việc lớn, đó cũng là một loại hạnh phúc.

01

Tôi đã từng là một học sinh học rất tệ môn Văn. Mỗi lần đến tiết Văn, tôi rất lo sợ sẽ bị giáo viên gọi tên đọc “tác phẩm” của chính mình. Nhìn những đứa bạn có thể viết những bài văn xuất sắc và nhận được nhiều lời khen ngợi, tôi rất ngưỡng mộ. Rồi nhìn lại mình, mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng kết quả làm tôi chán nản, tôi rơi vào tình trạng tự trách và xấu hổ vì không viết nổi một đoạn văn “nên hồn”.

Một người bạn chuyên Văn đã nói với tôi rằng: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, hãy bao dung với chính mình dù chỉ một chút thôi. Ai cũng muốn mình có thể viết một bài văn, bài báo hay ttong thời gian nhanh nhất, nhưng để làm được điều này quả là rất gian nan. Giống như một đứa trẻ bắt đầu chập chững những bước đi đầu đời, vấp ngã là chuyện thường tình. Đừng tạo cho bản thân một tâm lý nặng nề, điều này chẳng giúp gì cho bạn cả, nhất là khi chặng đường bạn đi lại khá dài”. 

Lời nói của cô ấy giúp tôi tỉnh ngộ. Tôi tự trách mình rằng nếu tôi nghe được câu này sớm hơn, tôi đã không hành hạ bản thân mình nhiều như vậy. Dần dần, nhờ ngày ngày chịu khổ luyện tập viết văn nên chẳng mấy chốc, tôi viết bài “lên tay” khiến thầy cô và bạn bè kinh ngạc. Sau khi kiên trì viết trong vài tháng liên tục, cuối cùng tôi cũng biết được mình mạnh và yếu ở điểm nào để hoàn thiện bản thân hơn. Từ đó, đến tiết Văn, tôi lại hào hứng vì biết đâu bài văn của tôi được đọc trước lớp thì sao.

Trên thực tế, sai lầm mà nhiều người có thể mắc phải đó là lo lắng thái quá và yêu cầu quá cao về bản thân mình. Đôi lúc, bạn chỉ nhìn thấy những thành tựu và vinh quang của người khác mà bỏ qua nỗ lực và “nỗi khổ không ai thấu” đằng sau họ.

Để có được thành công, nhiều người đã cố gắng, thậm chí nhiều lần nếm mùi thất bại. Nhưng người khác không tận mắt chứng kiến lại so sánh thất bại tạm thời ấy với thành công vừa chớm nở của mình và coi thường người khác. Có nhiều người thích thể hiện, họ khoe khoang quá mức những kinh nghiệm mới tích lũy với những người đã có nhiều năm kinh nghiệm. Cách làm này chẳng thể giúp bạn tiến bộ hơn, ngược lại khiến bạn sinh ra tự mãn và sau khi hiểu ra, bạn càng thất vọng về bản thân hơn.

Một số người nói: “Khoan dung với bản thân là buông bỏ bớt gánh nặng trong cuộc sống và đừng an phận với những điều tầm thường.” Vì vậy, tôi đã cố gắng khoan dung hơn với bản thân mình, cố gắng hết sức để làm việc và chấp nhận những sai sót hay những điều không hoàn hảo của chính mình. Khi không còn nỗi ám ảnh bám lấy mình, tâm trí tôi đã trở nên thư thái và suy nghĩ của tôi cũng tích cực hơn.

Bài học thâm thuý từ câu chuyện Người gánh nước và cái thùng nứt: Đừng bao giờ đánh giá thấp bản thân ngay cả khi bạn không hoàn hảo - Ảnh 1.

02

Trên Internet có chia sẻ một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có người nông dân xách nước bên sông mỗi ngày bằng hai cái thùng. Một ngày nọ, khi xách nước từ sông về nhà, anh thấy một trong hai cái thùng bị nứt, nước bên trong chỉ còn một nửa, còn cái thùng kia vẫn đầy nước.

Ngày qua ngày, người chủ chỉ mang về nhà được một thùng rưỡi nước. Cái thùng còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của nó, còn cái thùng bị nứt luôn cắn rứt vì không hoàn thành nhiệm vụ. Một ngày nọ, cái thùng nứt lấy hết can đảm nói với người chủ:

– Tôi thật xấu hổ về mình. Tôi muốn xin lỗi ông!

– Ngươi xấu hổ về chuyện gì?

– Chỉ vì lỗi của tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức của ông.

– Không đâu, khi đi về ngươi hãy chú ý đến những luống hoa bên vệ đường. Người chủ từ tốn trả lời.

Quả thật, dọc theo vệ đường là những luống hoa rực rỡ. Cái chậu nứt cảm thấy vui vẻ phần nào, nhưng rồi, về đến nhà, nó chỉ còn phân nửa nước nên lại ray rứt:

– Tôi xin lỗi ông…

– Ngươi không chú ý rằng hoa chỉ mọc bên này đường, phía của ngươi thôi sao? Ta đã biết được vết nứt của ngươi và đã tận dụng nó. Ta gieo những hạt giống hoa bên vệ đường phía bên ngươi và trong những năm qua ngươi đã tưới cho chúng. Ta hái những cánh hoa đó để trang hoàng căn nhà. Nếu không có ngươi, nhà ta sẽ không ấm cúng và duyên dáng như thế này đâu.

Bài học rút ra từ câu chuyện này là:

Nếu chúng ta là cái thùng nứt thì hãy tận dụng vết nứt của mình để tạo ra giá trị thay vì buồn bã và trách móc mình.

Người xưa thường nói: “Dụng nhân như dụng mộc”. Nghĩa là người thợ mộc tận dụng tất cả các loại gỗ lớn, nhỏ, tốt, xấu để làm nên những chi tiết khác nhau. Việc dùng người cũng phải biết đặc điểm của từng cá nhân mà phân công lao động hợp lý nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Người gánh nước trong câu chuyện đã phát hiện và khai thác khía cạnh hữu ích của vết nứt thay vì bực bội, thất vọng về nó. Ông đã tận dụng nước rò rỉ từ cái xô nứt để tưới hoa, lấy hoa tươi trang trí nhà cửa đẹp đẽ là một thái độ ứng xử đầy yêu thương và độc đáo.

Quan trọng hơn chính là thái độ của cái thùng nứt. “Nhân vô thập toàn”, không ai là hoàn hảo, nói cách khác ai cũng là cái thùng nứt, khác chăng là nứt nhiều hay nứt ít, nứt ngang hay nứt dọc mà thôi. Đừng tự ti hay mặc cảm về “vết nứt” của mình. Nếu tất cả chúng ta có thể mang một trái tim khoan dung như người nông dân, tìm ra điểm mạnh của mình, khắc phục những điểm yếu và chịu tôi luyện chính mình không ngừng thì cũng có ngày làm nên việc lớn, đó cũng là một loại hạnh phúc.

Bài học thâm thuý từ câu chuyện Người gánh nước và cái thùng nứt: Đừng bao giờ đánh giá thấp bản thân ngay cả khi bạn không hoàn hảo - Ảnh 2.

03

Bạn thường đặt cho mình một mục tiêu rất cao nhưng lại lười biếng thực hiện hay cố trì hoãn vì một vài lí do nào đó. Đến khi không đạt được mục tiêu của mình, bạn sẽ cảm thấy lo lắng và không vui. Nhưng đôi khi, cần phải thừa nhận rằng chúng ta là người bình thường chứ không phải thánh nhân, nếu thất bại thì làm lại, chứ nếu là thánh nhân thì cần gì làm, cần gì phải cố gắng.

Chấp nhận sự không hoàn hảo của chính mình mà cố gắng là một loại khôn ngoan. Khoan dung với chính mình không phải để nuông chiều bản thân, không thỏa hiệp với cuộc sống bình thường, cũng không phải hạ thấp những đòi hỏi của bản thân, mà là một kiểu hòa giải với chính mình, để bạn bình tâm phân tích nguyên nhân thất bại và làm lại nó một cách hoàn hảo hơn.

Khi chúng ta có một số ý kiến ​​tiêu cực về bản thân, hãy coi bản thân mình như một người bạn, hiểu và chấp nhận bản thân để hoàn thiện chính mình.

Khi bạn quá lo lắng, bạn có thể nói với chính mình rằng: “Không thành vấn đề, rồi sẽ giải quyết được thôi”. Dù bạn đi nhanh hay đi chậm, miễn là bạn cố gắng không ngừng, sớm muộn gì bạn cũng đến nơi cần đến.


Tịnh Kỳ

Tin liên quan