Ăn 2 loại trái cây này cùng lúc có bị ngộ độc như lời đồn? Chuyên gia chỉ biết “lắc đầu cười”

Dưa hấu và đào có bị ngộ độc khi ăn chung không?

Bài viết này của chuyên gia Lưu Thiếu Vĩ (Liu Shaowei), Giáo sư, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông Trung Quốc, Tiến sĩ Khoa học Thực phẩm từ Đại học Bang Pennsylvania, Sau Tiến sỹ tại Đại học Bang Kansas, Hoa Kỳ giải đáp cho bạn câu hỏi về việc kết hợp thực phẩm theo cách này có gây ngộ độc hay không.

Mỗi năm đến mùa thu hoạch đào và dưa hấu thì những tin đồn về việc kết hợp 2 loại thực phẩm này sẽ gây ngộ độc lại lan ra khắp nơi, đến nỗi nhiều người không bao giờ dám ăn cùng lúc 2 loại quả này.

Thậm chí, gần đây có tin đồn trên tờ Moments of Friends rằng: “Xin hãy nhớ rằng đào và dưa hấu không được ăn cùng nhau, vì chúng sẽ rất độc hại”. Thấy vậy, tôi sợ đến nỗi quả đào tôi đang cầm trên tay mà bất ngờ rơi xuống đất – Giáo sư Vĩ lắc đầu cười hài hước nói.

Điều này có thật không? Chúng ta có thể ăn dưa hấu và đào cùng lúc không? Khi ăn những loại quả này chúng ta cần lưu ý điều gì? Những thực phẩm nào không được ăn cùng một lúc? Chúng tôi cần phải nêu lên ý kiến của mình để bác bỏ những tin đồn!

 Ăn 2 loại trái cây này cùng lúc có bị ngộ độc như lời đồn? Chuyên gia chỉ biết lắc đầu cười - Ảnh 1.

Chuyên gia Lưu Thiếu Vĩ (Liu Shaowei)

Dưa hấu và đào bị ngộ độc do ăn cùng lúc?

Đây hoàn toàn là một tin đồn! Giáo sư Vĩ nói.

Nhiều người đã phát hiện ra rằng họ đã có trải nghiệm ăn dưa hấu và đào cùng một lúc, nhưng họ không gặp phải bất kỳ triệu chứng khó chịu nào.

Trên thực tế, từ góc độ thành phần thực phẩm, đây cũng là một tin đồn tuyệt đối. Cả dưa hấu và đào đều chứa nhiều nước, carbohydrate, vitamin, nguyên tố vi lượng, … nhưng không có thành phần nào chứa chất có hại cho cơ thể con người, cũng như không có chất độc hại cao gây ra bất kỳ phản ứng nào sau khi ăn.

Do đó, nếu chúng được ăn cùng lúc, không có khả năng sinh ra chất độc cao và gây tử vong.

Tin đồn này bắt nguồn từ đâu?

Có thể do thời tiết mùa hè nóng nực nên nhiều người muốn giải khát và cho dưa hấu, đào vào tủ lạnh trước khi ăn.

Dưa hấu và đào sau khi để lạnh rất dễ gây kích thích lá lách và dạ dày, dễ gây đầy bụng, tiêu chảy, có thể dẫn đến ảo giác “trúng độc”.

Ngoài ra, đào chứa nhiều đường, dễ bị thối khi bảo quản ở nhiệt độ thường. Dưa hấu chứa rất nhiều nước, nhiều người sẽ cất phần còn lại của dưa hấu trong tủ lạnh nếu họ không ăn hết một quả dưa hấu cùng lúc. Việc bảo quản không đúng cách cũng có thể khiến vi khuẩn trong dưa hấu sinh sôi. Nếu ăn phải những quả dưa hấu, đào hư hỏng như vậy rất dễ gây ra sự khó chịu cho cơ thể.

Nếu bạn có triệu chứng khó chịu về thể chất sau khi ăn dưa hấu và đào, đó không phải lỗi của riêng loại trái cây này mà do dạ dày của bạn quá yếu ớt, mỏng manh.

Khi ăn dưa hấu, đào cần lưu ý điều gì?

Không nên ăn nhiều quá cùng lúc.

Mặc dù hai loại quả này có thể ăn cùng một lúc nhưng không nên ăn nhiều.

Đào rất giàu chất xơ và chất keo, ăn ít có thể thúc đẩy nhu động ruột, tuy nhiên nếu ăn quá nhiều dễ gây gánh nặng cho ruột và dạ dày, dễ gây đau bụng, tiêu chảy nên tốt nhất không nên ăn quá nhiều.

Dưa hấu nhiều nước, nếu để lạnh rồi ăn quá nhiều sẽ dễ gây tiêu chảy.

Theo khuyến nghị của Hiệp hội Dinh dưỡng Trung Quốc, số lượng trái cây thích hợp nhất hàng ngày cho người lớn là từ 250-400 gram, và không được tiêu thụ với số lượng lớn cùng một lúc.

Bệnh nhân tiểu đường nên ăn uống cẩn thận

Hai loại trái cây này có hàm lượng đường cao, không thích hợp cho người tiểu đường nếu ăn quá nhiều, đồng thời, khi ăn đào rồi thì nên bớt ăn cơm để kiểm soát lượng đường trong máu.

Những người bị dị ứng nên ăn uống thận trọng

Một số ít người bị dị ứng với quả đào nhưng họ không biết vì các triệu chứng diễn ra tương đối nhẹ. Dị ứng sau khi ăn quả đào có thể gây mẩn đỏ, bong tróc da, ngứa ở khóe miệng và gây sốc.

Những người bị dị ứng với đào nên ngừng ăn khi cảm thấy bị dị ứng nhẹ, rửa mặt và tay bằng nước sạch. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức.

Nói chung, hầu hết các loại thực phẩm không có hiện tượng “xung khắc” quá lớn, một số người gặp phải triệu chứng khó chịu sau khi ăn, phần lớn là do thức ăn bị hỏng hoặc do ăn uống sai cách.

Đối với một lượng nhỏ thức ăn có chứa những thành phần có tính độc hoặc xung khắc với thực phẩm khác, việc ăn chung có dẫn đến ngộ độc hay không còn tùy thuộc vào liều lượng của thức ăn, trong trường hợp bình thường, ăn vào sẽ không gây ngộ độc cho con người.

Việc ăn uống đúng cách và khoa học là chìa khóa để giữ an toàn sức khỏe. Không nên sợ hãi trước những lời đồn thổi thiếu căn cứ khoa học.

*Theo Health/Sina


Vân Hồng

Doanh nghiệp & tiếp thị

Tin liên quan