Aeon và cú “hích” thị trường bán lẻ

Dự án Aeon Mall Hà Đông có tổng vốn đầu tư 192,5 triệu USD (4.000 tỷ đồng) do Công ty TNHH Aeon Mall làm chủ đầu tư đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là trung tâm thương mại thứ 2 của Aeon tại Hà Nội và là trung tâm thứ 5 của tập đoàn này tại Việt Nam.

p/Aeon coi Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm tại Đông Nam Á

Aeon coi Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm tại Đông Nam Á

Tham vọng của Aeon

Ông Yasuo Nishitohge, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Aeon khẳng định: “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trọng yếu trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Aeon trong tương lai việc đầu tư vào đây sẽ tăng mạnh hơn nữa”.

Trước đó, Chủ tịch AFS Masaki Suzuki cho biết Aeon coi Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm của tập đoàn này tại Đông Nam Á với kế hoạch mở rộng lên 30 trung tâm thương mại quy mô lớn với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD, dự kiến tạo ra 50.000 việc làm cho lao động Việt Nam.

Điều gì khiến lãnh đạo Aeon liên tục đưa ra các thông điệp điệp mạnh mẽ như vậy trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt? Đặc biệt, 3 đại siêu thị ngoại khác là Big C, MM Mega Market, Lotte Mart đang có dấu hiện chững lại. Thậm chí, Auchan còn phải rút khỏi thị trường.

Ông Yasuo Nishitghe lý giải rằng: “Chúng tôi đã tăng doanh thu 60% bằng cách tập trung vào văn hóa và thị hiếu Việt Nam”.

Chiến lược thúc đẩy các nhãn hiệu riêng của Aeon bao gồm việc thỏa mãn nhu cầu mua sắm giá rẻ của người Việt Nam và mở nhiều cửa hàng có khả năng cung cấp các sản phẩm này.

Đến giữa năm 2018, Aeon đã phát triển gần 3.000 sản phẩm mang thương hiệu riêng ở 3 quốc gia là Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

Những sản phẩm này vừa được người Việt Nam tiêu thụ, vừa được xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Bài toán nào cho Aeon?

Về chiến lược phát triển tại thị trường 96 triệu dân, ông Yasuo cho biết ngoài các trung tâm mua sắm lớn, Aeon còn phát triển các trung tâm bách hoá và siêu thị, các cửa hàng kinh doanh tiện lợi. Tuy nhiên có vẻ như chiến lược của Aeon sẽ chỉ tập trung vào các trung tâm mua sắm lớn.

Bởi sau 3 năm “kết duyên” cùng Fivimart, Aeon liên tục lỗ nặng và năm 2018 đã “đường ai nấy đi”. Năm 2011, Ministop (thành viên Aeon) hợp tác cùng G7 ra mắt chuỗi cửa hàng tiện lợi G7-Ministop. Tới năm 2015, việc hợp tác này không hiệu quả khiến Ministop dừng hợp tác với Trung Nguyên và chuyển sang bắt tay đối tác Nhật Sojitz, đặt mục tiêu mở 800 cửa hàng trong vòng 8 năm tới. Việc hợp tác với Citimart cũng không mấy sáng sủa. Lỗ lũy kế của Citimart tính tới cuối năm 2016 cũng lên tới 157 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sẽ là thách thức rất lớn nếu Aeon muốn phát triển hệ thống đại siêu thị. Ông Yasuo thừa nhận một trong những khó khăn là việc tìm địa điểm. “Do các trung tâmthương mạicó diện tích lớn, nên việc tìm kiếm địa điểm triển khai là rất quan trọng. Đường xá giao thông cũng là yếu tố cần được lưu tâm”, ông Yasuo cho biết.

Dù có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản trị, nhưng để xây dựng hơn 20 trung tâm thương mại lớn còn lại theo kế hoạch trong vòng 6 năm là điều không tưởng. Con đường ngắn nhất Aeon có hiện thực hoá tham vọng là mua lại (M&A) doanh nghiệp khác, thậm chí là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Và, như vậy liêu đối thủ nào sẽ nằm trong tầm ngắm của Aeon?. 

Phan Nam

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức cùng cơ hội nhận quà tặng hàng tháng.

Tin liên quan