Tôi tốt nghiệp năm 2014.
Sau khi tốt nghiệp, tôi nghĩ mình còn trẻ, có điều kiện tùy hứng, làm theo cảm tính, cũng có năng lực dư sức phát triển sau này.
Nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại, phải đối mặt với nhiều lần nhảy việc vì không thuận lợi.
Tốt nghiệp mới hơn 5 năm đã nhảy việc 24 lần!
Lần làm việc ngắn nhất của tôi còn chưa đến nửa tháng, lần dài nhất cũng chưa tới 4 tháng.
Lúc mới từ chức, tâm trạng rất sung sướng, nhưng sau đó, mọi thứ phát sinh khiến tôi thấy lo lắng hơn.
Mỗi lần nhìn CV của tôi, các nhà tuyển dụng đều hỏi: “Tại sao bạn lại thường xuyên nhảy việc như vậy?”
Tôi chỉ biết đáp: “Có lẽ do chưa tìm được vị trí phù hợp với mình.”
Chính vì điều này, rất nhiều công ty không dám nhận người có “kinh nghiệm nhảy việc” đầy người như tôi. Sau này, khi bình tĩnh lại, tôi đã rút ra được 6 bài học quý giá cho chính mình:
1. Bất mãn tí liền xin nghỉ việc, kết quả nhất định còn tệ hơn
Đừng bao giờ ôm trong đầu tư tưởng: “Tôi còn trẻ, còn nhiều thời gian.”
Nhờ nhiều lần “được” đi phỏng vấn kia, mà tôi đã nghe rất nhiều HR nói rằng:
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngày càng đề cao yêu cầu với nguồn nhân lực, hai điều họ thường coi trọng nhất là năng lực và tuổi tác.”
Khi bạn mới 22 tuổi, “không kinh nghiệm” chẳng là vấn đề gì với họ. Nhưng khi hơn 25 tuổi cũng như vậy, 80% đều bị đánh dấu “không phù hợp yêu cầu”.
Nói cách khác, chúng ta chỉ có vài năm ở độ tuổi hoàng kim để nâng cao kinh nghiệm của mình. Sau thời gian này, chúng ta sẽ không còn lợi thế về tuổi tác nữa.
Mà những ai “nhảy việc” thường xuyên, sẽ rất khó để học giỏi được một kỹ năng nào đó.
Một trong những ông chủ của tôi từng nói, nếu bạn muốn hiểu chuyên sâu một lĩnh vực, bạn phải đảm nhiệm nó ít nhất 5 năm.
Thế nên, hãy học cách nâng cao năng lực chịu đựng của mình, chuyên tâm làm việc, phát triển sở trường trong một lĩnh vực nhất định, đừng vì một vài bất mãn nhất thời rồi nhảy việc mà hối hận cả đời.
2. Cảm xúc phải ổn định
Lần tôi hối hận nhất, chính là lần xin từ chức ở một công ty truyền thông.
Bởi vì ngành nghề này có cơ hội phát triển tốt, mỗi người trong công ty đều có thu nhập rất cao. Nhưng chỉ vì một lần xảy ra xích mích với lãnh đạo, bị trừ hết 1 triệu tiền lương, tôi mới giận dữ xin từ chức.
Không kiểm soát tốt kiểm xúc tại nơi làm việc là lỗi của tôi. Và lần đó, cũng khiến tôi tổn thất lớn sau này. Bởi vì từ đó, tôi không tìm được công ty nào có mức lương cao như vậy nữa.
Kiểm soát tốt cảm xúc là nền tảng EQ cơ bản khi gia nhập xã hội. Cảm xúc ổn định mới có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt được.
3. Nhất định phải trở thành người đáng tin cậy
Cái gọi là đáng tin cậy, chính là không đùn đẩy trách nhiệm của mình, được giao nhiệm vụ liền cố gắng hết sức hoàn thành, dù thành công hay thất bại cũng phải báo cáo đúng sự thật.
Mỗi công ty đều vận hành theo cơ chế khác nhau. Nhưng tất cả đều có một điểm chung, chính là các nhà lãnh đạo đều muốn mọi sự việc trong công ty đều phải được xử lý rõ ràng. Mà những việc đã giao cho bạn, bạn nhất định phải có hồi âm đúng deadline, đưa ra phương án và kết quả thực tế.
Không có lối đi tắt cho công việc.
Nếu bạn được giao nhiệm vụ, hãy làm nó thật tốt để khiến người khác tin cậy. Điều này không chỉ khiến bạn mau chóng trưởng thành mà còn nhận được sự công nhận thực lực từ mọi người.
4. Hiểu rằng công việc hiện tại chính là lựa chọn tốt nhất trong phạm vi năng lực lúc này của bạn
Ai cũng vậy, trước khi tìm kiếm bất cứ công việc gì, đều sẽ trải qua thời gian dài lựa chọn.
Nếu đã lựa chọn công ty này rồi, vậy hãy coi nó là tốt nhất và tận tâm làm việc.
Dù không thể bỏ ra 100% tập trung làm tốt, ít nhất cũng phải đầu tư 80% trí lực cho công việc hiện tại. Có như vậy mới không phụ công sức của bạn, cũng như khiến bản thân xứng đáng với số tiền lương được nhận.
Trước đây khi còn trẻ, tôi đã không như vậy, vì thế sau đó mọi thứ đều đổ vỡ.
Lúc mới vào công ty, ba ngày đầu tôi thấy rất hăng hái, mới mẻ. Nhưng sau đó thì cảm thấy thật nhàm chán và có phần “khó tiêu hóa”.
Suy nghĩ này dần dần hướng tôi đến ý định nhảy việc. Nhưng nhảy việc rồi cũng chẳng giải quyết được vấn đề, chỉ khiến nó trở thành lần “kinh nghiệm tồi tệ” trong đời mà thôi.
Còn bạn, đừng tự hủy hoại những lựa chọn tốt nhất cho bản thân như thế. Nếu đã lựa chọn, hãy cố gắng làm tốt nó. Nếu không phù hợp, cũng hãy tìm cách hoàn thành chu đáo mọi thứ trước khi đơn xin nghỉ việc được ký duyệt.
Thái độ làm việc của bạn chính là tiền đề để người khác đánh giá nhân phẩm của bạn. Thế nên, hãy cư xử đúng mực.
5. Đừng “tạo” kẻ thù khắp nơi
Dù không tạo dựng được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, cũng đừng nên khiến đối phương trở thành kẻ thù của bạn.
Đặc biệt là lãnh đạo, nếu bạn và lãnh đạo cãi nhau nhiều đến mức “trở mặt thành thù”, vậy cái ngày bị sa thải cũng không còn xa nữa.
Ở nơi làm việc, điều kiêng kỵ nhất là nói xấu sau lưng đồng nghiệp và sếp. Bởi vì “tai vách mạch rừng”, sớm muộn gì những lời nói xấu đó cũng đến tai chính chủ. Và chờ đón bạn sau đó chính là chuỗi ngày bị đối phương cho “ăn hành” lại.
Hơn nữa, nói xấu người khác chỉ thể hiện tính khí không tốt, nhỏ nhen, thiếu độ lượng của bạn, càng gây ảnh hưởng xấu đến hình tượng của bạn trong mắt người khác.
Việc có hại mà không được chút lợi thế này, tốt nhất đừng bao giờ làm.
6. Biết ơn
Có một điều mà người thời nay ít bao giờ quan tâm tới, chính là việc công ty mướn giáo viên về dạy bạn, hoặc cho bạn ra nước ngoài đào tạo, cung cấp đầy đủ điều kiện ăn ngon, ở khách sạn năm sao, đi máy bay thoải mái,… Tất cả mọi thứ, cũng đều cần đến tiền.
Những chi phí này, công ty thay bạn trả. Vậy đừng nên xem nó là việc hiển nhiên, hãy hồi báo lại ngay khi bạn có đủ khả năng.
Đừng sống như một kẻ vô ơn, bởi vì đó là cách làm tồi tệ.
Có nhiều người sau khi được công ty bỏ tiền ra đào tạo xong liền “bỏ chạy” qua công ty đối thủ làm chỉ vì được trả lương cao hơn. Người như vậy sẽ được đánh giá cao về năng lực nhưng không được đánh giá cao về đạo đức.
Nếu bản thân bạn có vướng vào 1 trong số 6 điều trên thì hãy mau thay đổi, đừng để tương lai phải hối hận vì đã không chịu sửa đổi sớm!