7 nhiệm vụ cụ thể xây dựng “Phố Đông” TP.HCM

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch với 7 nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, sở ngành nhằm xây dựng “TP phía Đông”.

7 nhiệm vụ cụ thể xây dựng "Phố Đông" TP.HCM 1

TP.HCM dự kiến sáp nhập 19 phường và 3 quận để lập thành phố phía Đông. Ảnh: Đình Sơn

Cụ thể, UBND TP.HCM cho biết kế hoạch này yêu cầu phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng đơn vị đối với công tác xây dựng và phát triển khu công nghệ cao phía Đông.

Theo đó, UBND TP chỉ rõ 7 nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ngành: Thứ nhất, UBND TP yêu cầu Sở QHKT, UBND 3 quận Thủ Đức, quận 2, quận 9, sở TN&MT phối hợp lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể 3 quận Thủ Đức, quận 2, 9 để tạo tiền đề cho công tác thành lập TP Phía Đông.

Đồng thời điều chỉnh quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch cho tiết các trung tâm sáng tạo, các khu vực trọng điểm. Nghiên cứu ban hành các quy định về quản lý cũng như hướng dẫn thực thi các quy định, lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cụ thể.

Thứ hai, yêu cầu các ban ngành liên quan đến công tác quản lý phát triển đô thị phối hợp nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên công nghệ số, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung.

Thứ ba, giao Sở GTVT chủ trì tổ chức, lập quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực theo định hướng chung.

Thứ tư, giao Sở Nội vụ tham mưu, sắp xếp sáp nhập 3 quận của khu đông, từ đó xây dựng Đề án thành lập đơn vị hành chính Thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM.

Thứ năm, chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ sáu, giao Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất khung chính sách, chiến lược phát triển đô thị.

Thứ bảy, tổ chức công tác truyền thông hiệu quả, để thu hút đầu tư.

Được biết, mới đây tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa X lần thứ 43, UBND TP cũng đồng nhất tạm lấy tên gọi “Thủ Đức” cho khu vực này trong thời gian chờ việc thành lập được thông qua.

Thời gian qua, việc TP.HCM đề xuất xây dựng thành phố phía Đông đang trở thành chủ đề nóng bởi chưa từng có một tiền lệ nào tương tự cho thành phố trực thuộc trong thành phố.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệpKTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, với diện tích khoảng 200 km2 và dân số 1 triệu người có hàm lượng chất xám rất cao, TP.HCM hy vọng “phố Đông” sẽ đóng góp 30% GDP toàn thành phố, tức là bằng rất nhiều tỉnh cộng lại. Đây sẽ là một dạng như thung lũng Silicon của Mỹ, nơi sẽ phát triển những trí tuệ nhân tạo, những nguồn lực thông minh nhất, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của TP.HCM cũng như cả nước trong kỷ nguyên số.

Tuy nhiên, việc thành lập “phố Đông” không đơn giản là một quyết định hành chính bởi 200 km2 này không phải hoàn toàn là đất sạch mà có dân cư, có thành phố và sẽ có những công trình mới. Như vậy, phải làm thế nào để vừa xây dựng phát triển, nhưng cũng có thể bảo tồn những giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, và phải có hệ thống hạ tầng kết nối.

“Bên cạnh các hạt nhân như đô thị Thủ Thiêm, hay các khu công nghệ cao, các trung tâm hành chính và tài chính, nơi đây còn có rất nhiều vùng sình lầy xung quanh, phải quy hoạch để có thể bảo tồn và biến những khu vực này trở thành điểm du lịch sinh thái của TP HCM. Ngoài ra, không thể thiếu những khu phục vụ khu công nghệ cao như vành đai xanh, khu chung cư cho các trí thức cao cấp, phải đưa quản trị thông minh và đô thị thông minh vào để phát triển khu vực này” – KTS. Phạm Thanh Tùng bày tỏ quan điểm.

DIỆU HOA

Tin liên quan