7 bài học về tiền bạc cha mẹ thông minh nên dạy con càng sớm càng tốt

Biết cách tiêu tiền, quản lý tiền bạc và quý trọng giá trị của đồng tiền chính là những bài học cơ bản giúp con trẻ trưởng thành và bản lĩnh hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng nên giáo dục con em mình về vấn đề này ngay từ khi còn nhỏ bởi không bao giờ là quá sớm để học cách quản lý tiền bạc. 

Chỉ khi trẻ được giáo dục về cách quản lý tiền bạc mới có thể giúp con bạn trở thành một người có trách nhiệm về tài chính. Hãy bắt đầu với 7 bài học cơ bản dưới đây để con cái chúng ta có được một tương lai vững vàng.

1. Tiền không phải tự nhiên mà có

Tất cả những gì chúng ta được hưởng đều phải đánh đổi bằng công sức lao động. Điều này không có nghĩa rằng bạn nên trả tiền cho bọn trẻ để chúng làm công việc nhà – những việc mà chúng phải làm kể cả khi chúng không được thưởng chút tiền nào cả (bởi sống trong một ngôi nhà sạch sẽ chẳng phải sẽ dễ chịu hơn sao). Hãy khuyến khích chúng tự kinh doanh nhỏ, giúp con chuẩn bị một buổi bán hàng thanh lý nhà kho hay làm cỏ trong sân vườn nhà hàng xóm khi chúng đủ lớn.

2. Cân nhắc giữa thứ bản thân cần và thứ bản thân muốn

Thật khó để trẻ em có thể xác định được mục tiêu rõ ràng của bản thân. Thông thường, chúng sẽ phung phí tiền vào những thứ “thích thì nhích” nhưng lại rất nhanh chán. Để giải quyết tình trạng này, hãy dành thời gian ngồi và lập danh sách những món đồ mà trẻ muốn mua, sau đó nói chuyện và phân tích với trẻ để cùng hiểu rõ tại sao các con lại muốn mua hoặc có nên mua chúng hay không. Làm như vậy sẽ giúp trẻ nhận biết tốt hơn về mục đích cá nhân, đồng thời tránh được việc tiêu tiền một cách sai lầm gây nên sự lãng phí không cần thiết.

Trẻ con cần phải hiểu được rằng những gì chúng cần luôn được ưu tiên hơn những gì chúng muốn. Nếu muốn một món đồ chơi hay một bộ trò chơi điện tử mới khi tài chính của gia đình đang gặp khó khăn, hãy giải thích rằng tiền là một thứ có giới hạn, những thứ như thức ăn và quần áo nên được ưu tiên hơn.

7 bài học về tiền bạc cha mẹ thông minh nên dạy con càng sớm càng tốt - Ảnh 1.

3. Sức mạnh của sự kiên nhẫn

Hãy đặt ra một quy định thế này: “Cứ 10 đồng con kiếm được, hãy để dành ít nhất 1 đồng”. Hãy mua cho con bạn 3 hũ tiết kiệm và dán 3 nhãn: “để dành”, “tiêu dùng” và “cho đi”. Đừng bắt ép con bạn bỏ tiền vào hũ “cho đi” mà hãy dạy chúng rằng có rất nhiều người nghèo khổ hơn chúng ta, vì thế việc cho đi một ít tiền sẽ thực sự có ý nghĩa mà chúng có thể làm.

Hãy xem xét khoản tiền mà chúng để dành mỗi tháng và để tự chúng cảm thấy ngạc nhiên bởi sức mạnh của sự kiên nhẫn. Hãy giải thích rằng bạn cũng đang phải để dành tiền như chúng để đi du lịch hay cho bất cứ một cuộc giải trí nào.

4. Mua sắm dựa trên chất lượng

Khi con bạn đã học được những phép toán cơ bản, hãy dẫn chúng đi mua đồ ăn và dạy chúng cách mặc cả. Cho chúng thấy hai món hàng giống nhau với hai giá khác nhau, sau đó hỏi chúng xem chúng nghĩ bạn nên mua thứ nào hơn.

5. Không thể có tất cả mọi thứ

Chắc hẳn ai cũng muốn sở hữu những thứ xa xỉ để phục vụ cho bản thân hoặc thậm chí chỉ là để là “khoe khoang”, “chưng diện”. Tuy nhiên, bạn không thể phủ nhận một sự thật rằng việc “thích là nhích” sẽ đưa bạn đến một cơn khủng hoảng về tài chính nặng nề. Hãy dẫn con của bạn đến một cửa hàng đồ chơi, cho chúng 20 đồng và cho phép chúng mua bất cứ thứ gì chúng muốn, miễn sao tất cả những gì chúng mua chỉ tốn 20 đồng.

7 bài học về tiền bạc cha mẹ thông minh nên dạy con càng sớm càng tốt - Ảnh 2.

6. Đồ cũ = Tiền mới

Khi quần áo của con bạn trở nên chật hay chúng không còn hứng thú với những món đồ chơi cũ, hãy lên kế hoạch cho một buổi bán hàng thanh lý. Hãy tận dụng dịp này để tống đi những thứ bạn không cần nữa và bán những gì bạn có thể, rồi cho đi phần còn lại.

7. Hãy cho đi

Dạy trẻ cách dành dụm một số tiền tiêu vặt nhất định để quyên góp từ thiện, điều đó sẽ giúp trẻ biết chia sẻ hơn với mọi người xung quanh – đặc biệt là các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Không cần trực tiếp yêu cầu con quyên góp mà hãy để chúng hiểu hơn về những mảnh đời kém may mắn thông qua vài câu chuyện có thật, khơi dậy sự đồng cảm. Sau đó mới gợi ý tới việc quyên góp tiền để giúp đỡ họ.

Ví dụ vào dịp giáng sinh hãy hỏi con bạn rằng chúng có thích được nhận quà không. Khi chúng bảo có, hãy cho chúng biết có nhiều gia đình khác không đủ tiền để mua quà cho con họ. Vì vậy, hãy tìm mua một món quà để tặng cho bạn có hoàn cảnh kém may mắn hơn. 

Hãy dẫn con bạn vào một tiệm đồ chơi và gợi ý những thứ mà trẻ con vào độ tuổi của đứa bé ấy thích, sau đó cho con bạn một khoản tiền nhỏ để mua quà cho người bạn này. Chắc chắn con của bạn sẽ sớm biết ơn những gì cuộc đời đã mang lại cho chúng và sẽ trở thành một người khoan dung khi trưởng thành.


An Chi

Tin liên quan