6 lưu ý sống còn trong cuộc chiến chống virus Corona tại khu dân cư

Savills Việt Nam và Bệnh viện Hồng Ngọc đang thực hiện chương trình “Chung tay phòng tránh virus Corona tại các khu dân cư” dành cho các tòa nhà mà Savills quản lý.

6 lưu ý sống còn trong cuộc chiến chống virus Corona tại khu dân cư 1

Công tác phòng dịch cúm Corona tại các toà nhà chung cư do Savills quản lý

Theo ghi nhận của phóng viên DĐDN, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế, coi việc chống dịch như chống giặc thì Savills Việt Nam – đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tòa nhà lớn nhất thị trường với hơn 450 ngàn căn hộ và hơn 5 triệu m2 nhà ở đang thực hiện nghiêm túc, rốt ráo công tác phòng chống virus corona, đặc biệt là quản lý trực tiếp tại các tòa nhà.

Theo ông Phạm Tuấn Đạt – Quản lý dự án Imperia Sky Garden (Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngay từ khi có thông báo về dịch bệnh thì cùng với sự khuyến cáo của hệ thống Savills nói chung và Ban quản lý tại đây đã thực hiện rốt ráo các biện pháp nhằm chống dịch như thường xuyên tẩy rửa các bề mặt, khuyến cáo cư dân, khách sử dụng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, hạn chế tụ tập đông người, ưu tiên thanh toán chuyển khoản (tránh tiếp xúc với tiền mặt).

Đặc biệt, việc quản lý người nước ngoài được thắt chặt qua đăng ký tạm trú, tạm vắng, đối với các khách từ vùng có dịch thì ban quản lý đã kiểm soát chặt lịch trình.

“Những biện pháp trên cũng đã và đang được ban quản lý dự án CT4-Vimeco (Cầu Giấy – Hà Nội) thực hiện đầy đủ và tích cực nhằm ngăn chặn dịch virus corona” – ông Nguyễn Ngọc Phương, Quản lý của Savills tại dự án cho biết.

Tại cuộc họp, bác sĩ Cao Độc Lập – Giám đốc BVĐK Hồng Ngọc cũng đưa ra một số lưu ý trong công tác phòng chống dịch virus corona tại các tòa nhà, chung cư cao tầng.

Thứ nhất, phun cloramin B là rất cần thiết và hiệu quả để sát khuẩn bề mặt và diệt virus corona tại các bề mặt như hành lang, cầu thang, cửa ra vào. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ nên thực hiện khi nhận thấy có nguy cơ về dịch tễ và cân nhắc mức độ cần thiết vì để phun đại trà và trên diện rộng thường xuyên thì chi phí khá cao.

Trường hợp không phun cloramin B thường xuyên, các tòa nhà có thể phun 1 tuần/lần vào ngày nghỉ. Bên cạnh đó, tại cửa ra vào khuyến cáo nên để thảm dày tẩm cloramin B để sát trùng giày dép và khăn lau tay tẩm cloramin B, mỗi ngày thay 2 lần. Đây là những biện pháp phòng trừ hiệu quả và không quá tốn kém.  

Thứ hai, biện pháp kiểm soát thân nhiệt cư dân và người ra vào các tòa nhà chỉ là một trong những biện pháp nhằm tầm soát người có nguy cơ nhiễm bệnh bởi đã có những trường hợp ủ bệnh mà chưa có biểu hiện lâm sàng.

Thứ ba, các tòa nhà cần thực hiện thường xuyên công tác lau chùi diệt khuẩn hành lang, thang máy, phun khử khuẩn là rất tốt, để chai cồn khử khuẩn tại sảnh lễ tân, thang máy là những khu vực sử dụng chung là trung gian tiềm ẩn nguy cơ lây chéo virus corona.

Đặc biệt, biện pháp cần khuyến cáo là không nên nói chuyện, gọi điện thoại trong thang máy bởi bán kính 2m được khuyến cáo là phạm vi có nguy cơ cao lây nhiễm virus corona từ giọt bắn của người nhiễm bệnh.

Thứ tư, đối với những vị trí dễ bị lây nhiễm virus corona như lễ tân, bảo vệ… Ban quản lý tòa nhà bên cạnh khẩu trang, dung dịch sát khuẩn thì cần trang bị cho các nhân viên lễ tân kính mắt bảo hộ (kính 0 độ) để tránh nguy cơ những người này bị lây virus do giọt bắn tiếp xúc với niêm mạc mắt.

Thứ năm, tại các tòa nhà cho thuê nhà, cần thực hiện nghiêm việc kiểm soát dịch tễ, nắm được khách thuê đến từ đâu, lịch trình di chuyển ra sao. Đặc biệt, ban quản lý các tòa nhà cần nắm được quy trình xử lý dịch tễ khi có người nghi nhiễm virus corona.

Thứ sáu, các tiện ích như bể bơi, phòng gym có thể trở thành trung gian phát tán virus, do đó các tòa nhà cần lưu ý khuyến cáo hạn chế sử dụng bể bơi, kể cả bể bơi nước nóng (trên 25 độ C) vẫn có thể là kênh phát tán virus corona.

LÊ SÁNG

Tin liên quan