5 bài học từ thất bại của WeFit: Danh vọng là đòn bẩy nhưng cũng có thể là cạm bẫy…

1. Danh vọng là đòn bẩy nhưng cũng có thể là cạm bẫy 

Đọc hồ sơ hoành tráng với rất nhiều giải thưởng của người sáng lập wefit thì tôi nghĩ đến bài học mà Giáo sư Christensen đã viết. Rằng khi những người trẻ (bạn của giáo sư ở đại học Harvard) thành đạt quá sớm, thì người đó sẽ chịu một áp lực rất nặng để vượt lên chính đỉnh cao của mình. 

Nếu đỉnh cao đó, ngay từ đầu đã cao hơn chính tầm vóc của mình, thì rất dễ có chuyện để tiếp tục thăng hạng người này sẽ rơi vào cặm bẫy của danh vọng thủa ban đầu. Và áp lực tiếp tục thành công thành công hơn nữa sẽ khiến các bạn trẻ thiếu bản lĩnh để đầu tư vào sự vững vàng. Cụ thể là WeFit chưa fix được lỗi của fitness thì đã mở rộng sang beauty để rồi vướng cùng một lỗi, gọi là chết hai lần bởi cùng một cái thòng lọng. 

5 bài học từ thất bại của WeFit: Danh vọng là đòn bẩy nhưng cũng có thể là cạm bẫy... - Ảnh 1.

2. Sự phát triển của doanh nghiệp khó có thể vượt hơn sự phát triển tầm vóc của người dẫn dắt doanh nghiệp

Khi dùng đòn bẩy tài chính từ các nhà đầu tư để mở rộng doanh nghiệp thì phải tự đầu tư để phát triển bản thân tương thích và ban điều hành cũng cần có sự phát triển tương ứng với tầm vóc của quy mô tổ chức mà họ điều hành. Đó chính là lý do các quỹ đầu tư luôn “ép” chủ doanh nghiệp phải học và hỗ trợ về năng lực là cấu phần quan trọng trước khi mở rộng quy mô. Nếu chỉ hỗ trợ vốn để scale up và làm marketing mà không giúp chính ban điều hành và các thành viên phát triển thì đó là con đường chết. 

Tất nhiên, trước khi chết thì thường đẹp lồng lộn. Vốn đối ứng của một Dream team sẽ là khả năng team tự đầu tư cho chính mình để mở rộng năng lực quản lý, khả năng chịu đựng thất bại và thách thức của thị trường. Có thể tôi chưa đọc hết nhưng mình thấy khả năng chịu áp lực của team hơi đuối cụ thể là họ đã để mất giá trị quý nhất của một người làm kinh doanh ngay từ khi chưa vỡ trận. Mất uy tín. 

3. Biết giá trị cốt lõi của mình và tâm thế chủ động chịu trách nhiệm 

Nhiều ý kiến phân tích là doanh nghiệp kinh doanh dựa trên niềm tin vào sự tử tế của khách hàng, còn khách hàng lại quá “khôn” nên doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ở đây tôi chỉ muốn nói là, người làm ăn cần giữ chữ tín và có đạo đức, nhưng khi bạn B2C (Business to customer) thì không thể chọn khách hàng có cùng tầm nhìn và giá trị như khi làm B2B (Business to Business). 

Làm B2C phải xây dựng hành lang pháp lý để khách hàng có thể tự do trải nghiệm dịch vụ của mình trong khuôn khổ những điều đã thoả thuận. Và việc mình không lường hết được sự tinh quái của khách hàng mình phải tự chịu trách nhiệm. 

Đây cũng là bài học khi đem một mô hình kinh doanh mà không đặt nó trong bối cảnh của việc thấu hiểu hành vi khách hang, không hiểu insight khách hang là một phần của mô hình kinh doanh thì tốt nhất là nhận trách nhiệm thay vì đổ lỗi cho khách hàng. 

5 bài học từ thất bại của WeFit: Danh vọng là đòn bẩy nhưng cũng có thể là cạm bẫy... - Ảnh 2.

4. Môi trường khuyến khích khởi nghiệp thành công phải là môi trường êm ái cho sự thất bại

Thủ tướng có nói trong đối thoại doanh nghiệp tuần trước rằng không sợ thất bại, dám đứng lên sau thất bại. Nhưng làm thế nào để xây dựng một cộng đồng êm ái cho sự thất bại? Đơn cử là khi thất bại không bị lôi ra để dè bỉu, dám đối diện với thất bại để học hỏi, và có hành lang pháp lý cho việc thất bại ( đóng cửa doanh nghiệp, tuyên bố phá sản). 

Một môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho những thất bại, cũng chính là môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho thành công 

5. Tôi nghĩ đây chỉ là bài học tạm thời cho các bạn trẻ, bài học này sẽ giúp bạn thành công sâu hơn trong tương lai

Nên tôi ngưỡng mộ bạn dám đối diện và chúc bạn sớm đứng dậy bền bỉ. Các nhà đầu tư ở Israel tiết lộ với tôi rằng, họ thường phỏng vấn các founder để quyết định rót tiền về những thất bại họ đã từng trải qua, nhiều hơn là phỏng vấn những thành công mà họ đã từng gặt hái được Thành công có thể do may mắn, nhưng thất bại chắc chắn có sai lầm. Học được từ sai lầm thì sẽ nhanh chóng trở lại và lợi hại hơn xưa thôi nhỉ.


Đỗ Thuỳ Dương (CEO Công ty Cổ phần Hội tụ nhân tài Talent Pool)

Tin liên quan