30 giây – 950 triệu đồng liệu có đáng?

30 giây - 950 triệu đồng liệu có đáng? 1

Mấy ngày gần đây, thông tin lan truyền báo giá quảng cáo trận chung kết bóng đá nam U22 Việt Nam vs U22 Indonesia có mức tăng giá gần gấp đôi so với trước đó, đồng thời cũng là mức cao kỷ lục trong lịch sử phát sóng bóng đá của VTV – với 1 slot 30 giây cao nhất lên đến gần 1 tỷ đồng.

Có lẽ câu hỏi mà rất nhiều người từ lâu đã tự hỏi trong đầu rằng, liệu chi phí quảng cáo đắt đỏ như thế có hiệu quả không, và nếu có thì hiệu quả ở mức bao nhiêu?

May thay, đó cũng chính là thắc mắc của Seth Stephens-Davidowitz, nhà khoa học dữ liệu, tác giả quyển sách Mọi Người Đều Nói Dối. Và để đi tìm câu trả lời, anh đã phân tích một trong những sự kiện thể thao thu hút nhiều người xem nhất nước Mỹ – trận chung kết bóng bầu dục Super Bowl – đồng thời cũng là sự kiện có suất quảng cáo đắt đỏ lên đến vài triệu đô la/ vài chục giây.

Cần phải nói thêm một suất quảng cáo ở Super Bowl phải được các công ty tranh nhau mua từ rất lâu trước khi biết 2 đội nào sẽ vào chung kết. Không những thế, họ còn phải đưa ra 3-4 kịch bản dự phòng xem nếu đội ở bang nào tranh chung kết thì phải quảng cáo với nội dung ra sao – xét trên thực tế làm một clip quảng cáo khá mất thời gian quay chỉnh sửa, chứ không thể thay đổi chỉ trong vòng vài ngày sau khi biết đội nào vào chung kết.

Để hình dung dễ hiểu, ví dụ nếu một công ty mua quảng cáo trận chung kết bóng đá SEA Games chuẩn bị sẵn nội dung “Việt Nam vô địch” nhưng tiếc là trận chung kết không có Việt Nam thì rõ ràng phát ra không ổn lắm – khi đó thì phải dùng đến mẩu quảng cáo plan B. Như vậy có thể thấy, không những chi phí bỏ ra để có suất quảng cáo đã cao mà chi phí làm nội dung cho suất quảng cáo đó cũng không phải là ít. Liệu mức tốn kém như vậy có mang lại đủ hiệu quả?

Quay trở lại với trận chung kết Super Bowl, để kiểm định, nhóm tác giả đã xem xét mức doanh thu tăng lên/ chi phí quảng cáo của một bộ phim trong trận đấu. Họ nhận thấy người dân các thành phố có đội bóng thi đấu trận Super Bowl thường xem các phim đã quảng cáo trong trận Super Bowl với tỉ lệ cao hơn đáng kể người dân các thành phố có đội bóng vừa mất quyền thi đấu.

Để chắc ăn, họ đã kiểm nghiệm thử một nhóm bộ phim có ngân sách sản xuất tương tự, được phát hành ở các thời điểm tương tự, nhưng không quảng cáo trong trận Super Bowl. Kết quả, không có lượng người xem tăng lên tại các thành phố có các đội đấu trận Super Bowl. Vậy câu trả lời đầu tiên là quảng cáo có hiệu quả, nhưng còn về mức độ thì ra sao?

Sau khi phân tích đi phân tích lại rất nhiều lần, nhóm tác giả nhận thấy một suất sinh lợi rất lớn. Bộ phim họ theo dõi đã chi khoảng 3 triệu USD cho 1 vị trí quảng cáo ở Super Bowl. Và họ đã nhận được 8.3 triệu USD doanh thu phòng vé tăng thêm, tỉ suất hoàn vốn đầu tư lên đến 2.8.

Kết quả này được xác nhận bởi 2 nhà kinh tế khác, Wesley R. Hartmann và Daniel Klapper, họ đã nghĩ ra một ý tưởng tương tự và độc lập trước đó. Họ nghiên cứu các quảng cáo bia và nước giải khát chạy trong trận Super Bowl, đồng thời tận dụng thời lượng xem quảng cáo tăng thêm tại các thành phố có đội tham dự.

Họ phát hiện tỉ suất hoàn vốn đầu tư là 2.5. Mặc dù rất tốn kém, kết quả của của họ cho thấy quảng cáo Super Bowl kích cầu hiệu quả đến nỗi, nếu tính đúng thì các công ty này đang mua quảng cáo với cái giá quá hời là đằng khác.

Như vậy, có thể thấy, dù con số suất hoàn vốn 2,x lần chỉ ở mức tham khảo đối với một sự kiện thể thao lớn khác, nhưng ta có thể đoán định được hiệu quả mang lại trong vài chục giây quảng cáo đắt đỏ như thế là hết sức khả quan. Chả trách VTV tăng giá cao kỷ lục, nhưng rồi vẫn có doanh nghiệp chấp nhận mua. Âu cũng là đắt xắt ra miếng.

Khánh Phạm

Tin liên quan