1977 Vlog “trở lại” khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam trong Hai đứa trẻ – Hiệp định Hồ Gươm

Lấy cảm hứng từ các tác phẩm văn học kinh điển như Lão Hạc, Chí Phèo, Vợ Chồng A Phủ, nội dung các video của 1977 Vlog vô cùng quen thuộc, dễ hiểu. Màu sắc đen trắng của video đậm chất phim truyền hình Việt Nam trước giải phóng với nhịp độ chậm rãi. Lời thoại ngắn sử dụng câu nói “trend” trên mạng xã hội và lối diễn xuất hài hước cũng là điểm riêng thu hút cộng đồng mạng. Đặc biệt, chỉ sau 4 video, những chàng trai 1977 Vlog đã lập tức chạm con số 1.000.000 lượt theo dõi – một dấu mốc mà bất kỳ Youtuber nào cũng phải ao ước có được.

Gần 2 tháng sau clip “Chiếc lá cuối cùng – Quyền năng đất mẹ”, cuối cùng 1977 Vlog đã cho ra mắt một tác phẩm mới có tên “Hai đứa trẻ – Hiệp định Hồ Gươm”. Clip lần này là phiên bản parody tác phẩm “Hai đứa trẻ” của tác giả Thạch Lam được in trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11.

“Hai đứa trẻ” là câu chuyện về hai đứa trẻ Liên và An. Liên và An đã từng có một cuộc sống sung túc đầy đủ vui vẻ ở Hà Nội nhộn nhịp náo nhiệt. Nhưng do gia đình sa sút, hai em phải chuyển về sống nơi phố huyện – một cuộc sống nghèo khổ, lay lắt, hiu quạnh. 

Cuộc sống nơi phố huyện nghèo ấy vô cùng đơn điệu, tẻ nhạt. Sống trong cảnh bế tắc ấy, những người như chị em Liên đã tìm thấy một chiếc phao cứu sinh mong manh. Liên và An háo hức chờ đợi chuyến tàu để được gặp lại chút ánh sáng của những ngày còn sung túc, khi gia đình chưa gặp phải những biến cố và trở nên sa sút.

1977 Vlog trở lại khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam trong Hai đứa trẻ - Hiệp định Hồ Gươm - Ảnh 1.

Sau 2 giờ công chiếu, clip thu hút được gần 500.000 lượt xem trên Youtube và hàng nghìn bình luận với sự thích thú của cộng đồng mạng. Phần lớn các comments đều đánh giá 1977 Vlog vẫn giữ được sự hài hước và nét thâm thuý vốn có trong clip này. Phải diễn giải cụ thể từng chi tiết mới thấy 1977 Vlog đã khéo léo đề cập đến các vấn đề xã hội đến thế nào.

Theo suy đoán của cộng đồng mạng, câu thoại “Em không thể lấy của người nghèo chia cho người giàu như thế được” muốn nhắc đến tình trạng “hộ cận nghèo” có nhà lầu ở Thanh Hoá gây ra nhiều bức xúc mới đây. Hay như câu thoại “Có muốn nhập mặt đường máu lửa với a không? Phí 500 để đắp chiếu” được suy đoán liên quan đến vụ giang hồ Thái Bình thu phí hoả táng người chết 500.000.

Ngoài ra, những câu thoại vô cùng “hot” khác ngay lập tức đã được cư dân mạng “bóc tách” và ghi nhận sự thâm thuý:

– Thà để mồ hôi rơi trên trang vở còn hơn là bị vỡ tuyến lệ trong lúc làm bài thi.

– Con đường nên người cũng giống chiếc mũi của Pinocchio nếu ta càng dối trá thì ta càng mỏi chân.

– Em học bảng cửu chương mà kiểm tra thì phải tính vận tốc trở mặt của đám người yêu cũ.

– Chúng mày nên sống tử tế trước khi tao tuôn ra những từ tượng hình không đáng có.

– Là một người đàn ông phải mang trong mình lý tưởng cùng một quả tim của Pavel.

1977 Vlog trở lại khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam trong Hai đứa trẻ - Hiệp định Hồ Gươm - Ảnh 2.

Trong clip, 1977 Vlog còn khéo léo lồng ghép việc “diệt trừ” những kẻ đua xe trái phép, hung hăng phá làng phá xóm và kêu gọi mọi người tránh xa các tệ nạn xã hội. Khi được bố mẹ đưa đi thăm Hà Nội, hai chị em Liên và An đã gặp những kẻ hống hách, ngang nhiên đua xe trái phép. Từ đó, hai chị em quyết tâm sẽ “dạy” cho bọn chúng bài học nhớ đời. 

“Chúng tôi, nhân danh những thanh thiếu niên thời đại mới, từ cô đơn cho đến người đang yêu không kể giàu nghèo, tất thảy xin thống nhất dừng mọi hoạt động đua xe trái phép, từ bỏ mọi nếp sống thiếu văn hoá, thiếu sang chảnh và các tệ nạn xã hội. Hiệp định này có hiệu lực vĩnh viễn trên toàn bộ lãnh thổ thân yêu của đất nước ta”.

Hơn nữa, để ý kĩ sẽ thấy gần cuối clip có một thông điệp lớn mà 1977 Vlog muốn nhắn nhủ tới người xem cũng như lời đề bên ngoài: “Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thân yêu của Việt Nam!” với thước phim quay hình bản đồ Việt Nam. 

Vẫn với chất liệu là tác phẩm văn học kinh điển, màu sắc, giọng điệu video đậm chất phim truyện, clip “Hai đứa trẻ – Hiệp định Hồ Gươm” mang sức châm biếm và gây cười đặc biệt cho người xem. Đoạn cuối tác phẩm, anh Dậu trở lại về thăm “hai đứa trẻ” khiến cho “vũ trụ văn học” của 1977 Vlog thêm phần thú vị.


PV

Tin liên quan