Sức mạnh của “vị trí địa lý” đối với “hành động chính trị”, hay còn gọi là địa chính trị (Geopolitics), có nội hàm chưa hề thay đổi từ khi nó được gọi tên lần đầu vào đầu thế kỷ XX bởi nhà chính trị học người Thụy Điển, Rudolf Kjellen.
Khi lý giải về sự phát triển của nước Mỹ, đa phần cho rằng, do họ tọa lạc bên bờ Đại Tây Dương, cách rất xa với các điểm nóng chiến tranh trong 2 thế kỷ XIX và XX nên không chịu tổn thất. Đó chính là địa chính trị.
Khi nói về bối cảnh tang thương ở Trung Đông, hầu hết cũng đồng quan điểm, do khu vực này có trữ lượng dầu mỏ quá lớn, giữ “van” năng lượng toàn cầu nên không tránh khỏi thị phi tai quái. Đó cũng là địa chính trị.
Hoặc khi nghiên cứu về vai trò của Việt Nam ở châu Á – Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI, rất nhiều học giả nhận xét rằng Việt Nam đang sở hữu “địa chính trị” do nằm trên trục đường Nam tiến của Trung Quốc – cửa ngõ ra biển và tuyến hàng hải Đông- Tây quan trọng nhất hiện nay.
Hay nói cách khác, “lợi thế cạnh tranh” của các quốc gia vốn được an bài từ lịch sử hình thành của họ và phần nào đó là sự thay đổi theo bối cảnh chung, biến những khu vực kém quan trọng trở nên quan trọng, đồng thời biến những nơi quan trọng trở thành ít quan trọng.
Trước đây, khí tài chiến tranh được xem là công cụ có thể làm thay đổi địa chính trị. Ví dụ như việc Einstein chạy sang Mỹ thực hiện dự án Mahattan cho ra đời quả bom nguyên tử đầu tiên, Mỹ ném xuống Nhật để kết thúc thế chiến thứ II.
Trước đó sự ra đời của xe tăng trong thế chiến thứ nhất đã làm thay đổi nghệ thuật quân sự, loại hình chiến tranh địa hình (sử dụng hầm, hào giao thông, bãi mìn…) hoàn toàn lùi vào quá khứ.
Không có gì ngạc nhiên nếu như một ngày các nhà khoa học máy tính, vật lý lý thuyết trình làng thế hệ máy tính lượng tử có thể hoạt động bên ngoài phòng lab. Nói một cách dễ hiểu là ứng dụng cơ học lượng tử để sản xuất bộ xử lý máy tính thay cho chất bán dẫn (transitor).
Sức mạnh của nó là gì? Là khả năng tính toán vô hạn, giải quyết những vấn đề kinh tế và chính trị, khoa học, xã hội hóc búa mà lâu nay con người loay hoay tìm câu trả lời.
Có thể lấy một ví dụ tương tự, Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua cạnh tranh công nghệ viễn thông thế hệ thứ 5 và thứ 6. Nếu bên nào chiếm thế thượng phong bên đó sẽ nắm được lợi thế trong việc chi phối cục diện toàn cầu.
Tiền mã hóa (tiền ảo) và xu hướng ngân hàng số được dự báo là con át chủ bài của ngành tài chính tiền tệ trong tương lai gần. Cách thức “đào” tiền ảo hiện nay được hiểu đơn giản quá trình giải những bài toán phức tạp, và khi giải xong thì phần thưởng sẽ là những đồng coin nhận được.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một quốc gia nào đó sở hữu cỗ máy tính lượng tử có thể rút ngắn thời gian giải một bài toán từ 10 nghìn năm xuống khoảng 3 phút? Viễn cảnh này sớm muộn gì cũng xảy ra và rất đáng sợ!
Toàn bộ tiền ảo sẽ bị gom về một nơi, hệ thống ngân hàng số bị đánh sập, mọi thông tin mã hóa bị bẻ gãy trong nháy mắt, mọi bí mật quốc gia bị đánh cắp, không một ai có thể riêng tư nếu như họ kết nối với thế giới qua thiết bị thông minh.
Chuyện gì xảy ra nếu như một ngày đẹp trời, nước Mỹ loan tin mật mã chiếc cặp điều khiển hệ thống kích hoạt vũ khí hạt nhân trong tay Tổng thống bị bẻ khóa? Hoặc một kế hoạch chiến tranh nào đó bị bại lộ?…
Máy tính lượng tử là một hệ thống không thể bị hack. Các dữ liệu được mã hóa cũng không thể bị phá hoại. Trong khi đó, máy tính lượng tử có thể dễ dàng giải mã các dữ liệu được mã hóa bởi máy tính truyền thống.
Như vậy có nghĩa, ngày máy tính lượng tử ra đời cũng là ngày cáo chung của hàng tỷ chiếc máy tính truyền thống hiện đang được sử dụng trên thế giới. Nguy hiểm hơn, mọi hoạt động được điều khiển bởi máy tính truyền thống có thể bị phá hoại cho mọi mục đích khác nhau.
Siêu máy tính Sunway TaihuLight mạnh nhất thế giới hiện có ở Trung Quốc có khả năng xử lý 93 triệu tỷ phép tính trong 1s! Nhưng Google của Mỹ mới là nơi đầu tiên thử nghiệm máy tính lượng tử.
Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho hay Bắc Kinh đang âm thầm nghiên cứu cơ học lượng tử để sản xuất máy tính. Chính phủ nước này sẽ xây dựng một Phòng thí nghiệm Quốc gia về Khoa học thông tin lượng tử có trị giá 10 tỷ USD, dự kiến mở cửa vào năm 2020.
Lịch sử loài người cho thấy, để sinh tồn con người không từ bất cứ thủ đoạn nào để tiêu diệt nhau – từ phương thức đơn giản nhất cho đến hạ sát hàng loạt bằng vũ khí hóa học, bom nguyên tử, bom khinh khí, tấn công vào chính trị, kinh tế, văn hóa, thậm chí xóa sổ cả nền văn minh…
Vậy nên, không ai chắc chắn rằng, nếu một cường quốc nào đó sở hữu chiếc máy tính lượng tử mà không sử dụng nó vào mục đích đen tối nhằm triệt hạ đối thủ cạnh tranh.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Mỹ và Trung Quốc vẫn dùng dằng chiến tranh thương mại? Lý do cuối cùng là bởi không bên nào có thứ vũ khí “tuyệt đối” để kết liễu đối thủ. Hoặc, vì sao Mỹ không thể giải quyết vấn đề Triều Tiên? Cũng vì Mỹ không chắc Bình Nhưỡng có những gì trong tay! Tuy nhiên, máy tính lượng tử có thể giải quyết được.