UBND huyện Mê Linh vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.
Theo đó cơ quan này đề xuất thu hồi đối với 14 dự án, tổng diện tích 921ha chưa thực hiện giải phóng mặt bằng từ trước năm 2008. Các dự án này đã đủ mọi điều kiện để thu hồi, chấm dứt. UBND huyện Mê Linh đề nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi diện tích đất đã giao và chấm dứt đầu tư đối với 12 dự án và loại khỏi hệ thống dây khách theo dõi đối với 2 dự án.
Trong đó, dự án Khu nhà vườn, chung cư phục vụ người có thu nhập thấp Ấp Tre và Khu nhà ở sinh thái Vietracimex không có hồ sơ pháp lý, được UBND huyện Mê Linh đề xuất loại khỏi hệ thống theo dõi.
Đối với 12 dự án còn lại, có 4 dự án, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thu hồi quyết định giao đất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, có 3 dự án là Khu đô thị mới Việt Á, Khu đô thị mới PMC, Khu đô thị mới Prime Group, năm 2018 UBND thành phố đã có quyết định thu hồi diện tích đất UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao và dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên, năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định chấm dứt thực hiện quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, đến nay các dự án vẫn chưa chấm dứt được các thủ tục liên quan đến đầu tư. Trách nhiệm tham mưu thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư. Huyện Mê Linh đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Kế hoạch và đầu tư sớm tham mưu cho thành phố quyết định chấm dứt đầu tư đối với bốn dự án trên.
Đối với 8 dự án gồm Dự án Xây dựng Bệnh viện cho người thu nhập cao và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo Khu đô thị Thanh Lâm – Đại Thịnh 1, Khu đô thị Mê Linh – Đại Thịnh, Khu nhà ở, nhà vườn, chung cư phục vụ thu nhập thấp Khu công nghiệp Quang Minh 2, Dự án thuê đất trồng cỏ, nuôi bò sữa tự nhiên, Khu đô thị mới sông Hồng Thủ đô, Dự án Trồng hoa, cây xanh cảnh quan, rau sạch kết hợp với du lịch sinh thái, các dự án này hiện đã đủ căn cứ pháp lý thu hồi và chấm dứt đầu tư.
Huyện Mê Linh đề nghị UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và môi trường tham mưu chấm dứt thực hiện quyết định thu hồi đất, chấm dứt đầu tư đối với các dự án và lựa chọn nhà đầu tư mới có đủ năng lực để triển khai dự án.
Riêng đối với 13 /42 dự án đã giải phóng mặt bằng trên 90%, thậm chí có dự án đạt 98-99%, phần diện tích chưa giải phóng mặt bằng do điều chỉnh kế hoạch tăng lên không ảnh hưởng đến dự án, UBND huyện Mê Linh đề nghị thành phố giao Sở Tài nguyên và môi trường tham mưu giao đất theo giai đoạn đối với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng không có vướng mắc cho 13 dự án trên (sau khi các dự án này đã hoàn thành các thủ tục điều chỉnh kế hoạch chi tiết, chủ trương đầu tư, đăng ký kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích đất lúa) làm cơ sở tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tạo nguồn thu cho ngân sách để huyện đầu tư hạ tầng cơ sở.
Cụ thể, 13 dự án gồm Khu đô thị Trường Đại học Tài chính Ngân hàng, Khu đô thị mới Vinaline, Khu đô thị An Thịnh, Khu nhà ở Minh Giang – Đầm Và giai đoạn 1, mở rộng Khu nhà ở Minh Giang – Đầm Và, Khu nhà ở Minh Đức, Làng hoa Tiền Phong, Khu đô thị AIC, Nhà vườn Kim Quy Villa, Khu nhà ở Hoàng Vân, Khu biệt thự nhà vườn sinh thái Phúc Việt, Khu đô thị Rose Valey. Theo ước tính sơ bộ, số tiền thu ngân sách từ 13 dự án trên đạt khoảng 8.150 tỷ đồng.
Riêng đối với hai dự án Khu đô thị Golf Vinashin, Công viên tưởng niệm Thiên Đường Thanh Tước giai đoạn 1 đang tạm dừng. Trong đó, với dự án Khu đô thị Golf Vinashin đang chờ kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra PC03 Bộ Công an, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có ý kiến với Cơ quan Cảnh sát điều tra PC03 sớm ban hành quyết định điều tra để có căn cứ xử lý theo quy định, tránh lãng phí tài nguyên đất diện tích 221,9 ha ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Với dự án Công viên tưởng niệm Thiên Đường Thanh Tước đang tạm dừng việc triển khai theo theo Thông báo số 2531-TB/TU ngày 26/3/2020 của thành phố Hà Nội và giao Ban Cán sự Đảng, Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, hoàn thiện lại quá trình triển khai dự án, cần cân nhắc kỹ lưỡng, tính khả thi để tham mưu việc dừng hay tiếp tục triển khai dự án, đảm bảo sự đồng thuận của người dân trong khu vực dự án và ổn định xã hội.
Đối với 7 dự án gồm Dự án Xây dựng Nhà máy sản xuất gạch, Xây dựng Nhà máy sản xuất dây cáp điện và lắp ráp thiết bị vệ sinh cao cấp; Nhà máy may Kimono xã Kim Hoa huyện Mê Linh, Nhà máy Gia công cơ khí khuôn mẫu chính xác và sản xuất phẩm nhựa công nghiệp, dự án Xây dựng Trung tâm đào tạo nghề cơ khí, Dự án xây dựng Trung tâm phân phối miền Bắc, Dự án Xây dựng Nhà máy đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu.
Đây là những dự án đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, đang giải phóng mặt bằng dang dở. Riêng dự án Nhà máy Kimono tại xã Kim Hoa do Công ty CP Ngọc Bích làm chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng 100%. Tuy nhiên, sau khi huyện Mê Linh sáp nhập về Thủ đô Hà Nội bởi dự án trên không còn phù hợp với quy hoạch phân khu. Các vị trí dự án được quy hoạch là đất cây xanh, công viên giao thông.
Đây là nguyên nhân khách quan dẫn đến 14 năm qua các chủ đầu tư không triển khai được dự án. Huyện Mê Linh đề nghị UBND thành phố giao Sở Kế hoạch kiến trúc nghiên cứu, đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để thống nhất phương án xử lý tránh khiếu kiện, khiếu nại của chủ đầu tư.
Được biết, Mê Linh là huyện có nhiều dự án vốn ngoài ngân sách nhưng có tới 60 dự án chậm tiến độ trên 10 năm, chiếm 10% số dự án chậm triển khai của Hà Nội. Việc rà soát, lấy ý kiến sở ban ngành để thu hồi dự án chậm triển khai theo kiến nghị của UBND huyện là việc cấp bách bởi quá nhiều dự án chậm triển khai kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Hiện Hà Nội có 730 dự án chậm triển khai nằm trong diện rà soát đặc biệt. Các quận, huyện đã có báo cáo phân loại chi tiết từng dự án và sẽ tiếp tục trình thành phố xử lý thu hồi 173 dự án trong thời gian tới.